Trái phiếu châu Âu, bao lâu thì có?

Trái phiếu châu Âu, bao lâu thì có?

(ĐTCK) Pháp đang hối thúc việc thực hiện ý tưởng sử dụng trái phiếu đồng bảo lãnh, một hình thức đi vay mới đối với các nước thuộc khu vực đồng euro (eurozone), dù thiếu sự tán đồng của Đức. Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici đã xác nhận như vậy hôm thứ Hai, tại Berlin.

Phát biểu sau phiên họp chuyên môn đầu tiên với người đồng cấp người Đức, Wolfgang Schuble, ông Moscovici đã nhắc lại rằng, tân Tổng thống Pháp François Hollande sẽ tính đến ý tưởng đó như là một phần của gói giải pháp tăng trưởng sẽ được thảo luận bởi các nhà lãnh đạo châu Âu ở cuộc họp cấp cao không chính thức diễn ra vào hôm nay, 23/5.

“Với chúng tôi, đó là một ý tưởng mạnh mẽ”, Moscovici nói tại cuộc họp báo chung. “Chúng tôi đã nói chuyện về điều này và cả hai đều bảo vệ lập trường của mình. Tôi cũng đã đề nghị Tổng thống François Hollande hãy đặt mọi thứ lên bàn làm việc”.

Mặc dù ông Schuble không công khai nhắc lại quan điểm của Đức trong phần giới thiệu đầu tiên về các trái phiếu đồng bảo lãnh, nhưng thái độ của Berlin đã được giải thích rất rõ ràng bởi Steffen Kampeter, phụ tá của Schuble vài giờ trước đó.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh rất rõ rằng, chừng nào chính sách tài khoá của châu Âu còn chưa hợp nhất, chúng tôi dứt khoát từ chối tài trợ kiểu chung chung thông qua trái phiếu eurozone như vậy”, ông Kampeter nói chắc như đinh đóng cột trên sóng phát thanh. “Trái phiếu eurozone, ở thời điểm hiện tại, sẽ đưa ra những tín hiệu sai lệch về lãi suất thấp và thủ tiêu áp lực cải cách đối với các nền kinh tế của châu lục. Giờ không phải là lúc dụng đến liều thuốc đó”.

Ông Schuble, người từng hết lời ca ngợi sự mẫn cán của đồng nhiệm Moscovici, vẫn nhắc đi nhắc lại về tính cần thiết của các kỷ luật tài chính và việc giám sát chặt chẽ các chính sách tài khoá trong khu vực, coi đó là nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế.

“Sự hợp nhất về tài chính là điều kiện tiên quyết cho mục tiêu của chúng ta - cải thiện tăng trưởng”, ông Schuble nói. Đó thực chất là việc sử dụng các nguồn lực đã được uỷ thác để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua chi tiêu một cách hiệu quả hơn và thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào các dự án hợp tác công - tư, Schuble phân tích. Đức quả quyết rằng, vay mượn thêm để kích thích kinh tế sẽ là một sai lầm.

Cả hai bộ trưởng đều nhấn mạnh rằng, mặc dù có sự khác biệt về quan điểm giữa họ, mối hợp tác Pháp - Đức vẫn là nền tảng đảm bảo cho cả châu Âu hồi phục. Về vấn đề Hy Lạp, hai bộ trưởng đã thống nhất rằng, Athens sẽ nhận được sự trợ giúp để tái thiết nền kinh tế, nhưng chỉ khi họ hoàn tất chương trình đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Áp lực đối với Đức trong việc mở lại cuộc thảo luận về trái phiếu eurozone không chỉ đến từ Paris . Trong bức thư gửi tới những người đứng đầu các chính phủ EU, trong đó phác thảo những nội dung chính của cuộc họp cấp cao ngày 23/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, viết rằng “sẽ không có sự kiêng kỵ” trong các cuộc nói chuyện, một tín hiệu cho thấy, các quan chức EU được mời tới có thể thoải mái bàn về đường hướng phát hành những giấy nợ dùng chung cho cả khối.

“Hiện còn quá sớm để nghĩ xa hơn và để ngẫm nghĩ về khả năng có những thay đổi căn bản hơn bên trong khối”, ông Van Rompuy viết trong thư mời các lãnh đạo. “Nhưng trong nhiều cách, thì có lẽ cách hướng đến một hệ thống đồng nhất hơn có thể tạo được niềm tin đối với đồng euro và với nền kinh tế châu Âu hơn cả”.

Các quan chức Italia nói rằng, việc thúc đẩy một lộ trình hướng tới trái phiếu eurozone cũng được ủng hộ bởi Thủ tướng Mario Monti, người đã tán đồng chủ trương này từ trước khi trở thành Thủ tướng Italia vào năm ngoái. Một quan chức Italia cho biết, Rome đã xem xét một kế hoạch phối hợp với ông Hollande, nhưng, trong khi nó còn chưa được thảo luận tại Brussels, Pháp đã “lăng xăng” đề xuất một lộ trình thực hiện cùng với Rome, phớt lờ Đức.

Quan điểm của Berlin là trái phiếu eurozone không thể triển khai trong tương lai gần và cần phải chỉnh sửa lại các hiệp ước của EU. Nhiều người cho rằng, ông Hollande theo đuổi ý tưởng trái phiếu chung chỉ để lấy đó làm lợi điểm trong các cuộc thương lượng, chứ bản thân ông cũng không kỳ vọng nó sẽ sớm đạt được.

Mariano Rajoy, Thủ tướng Tây Ban Nha đã kêu gọi các lãnh đạo eurozone tập trung vào các giải pháp có ảnh hưởng mau lẹ, sau khi nói rằng, trái phiếu châu Âu “cần thời gian” để có thể được triển khai.

“Tôi tin là ý tưởng đó không sai, nhưng yêu cầu khẩn cấp bây giờ là giải quyết những vấn đề đe doạ sự ổn định tài chính của khu vực đồng euro”, ông Mariano Rajoy phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh Nato tại Chicago . “Sự ổn định tài chính đó có thể đạt được nhanh chóng mà không cần những cuộc tranh luận, thảo luận kéo dài, những nghiên cứu hay quy định mới, những thứ phải mất 2 đến 3 năm mới làm được, mà chỉ cần một quyết định và 24 giờ sau sẽ phát huy tác dụng”.