Sống ở thành phố xanh

Sống ở thành phố xanh

(ĐTCK) Trong khi rất nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… đang “vật vã” với nạn ô nhiễm không khí thì Huế, đáng quý thay, vẫn giữ được nét thong dong, yên bình của một thành phố xanh.

Thành phố xanh nhất Việt Nam

Ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa nghiêm trọng. Không khí bị nhiễm độc làm gia tăng nguy cơ con người mắc các chứng bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp... Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người thiệt mạng do các chứng bệnh liên quan đến không khí ngoài trời bị ô nhiễm.

Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đang lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Điều đáng nói là các thành phố này là những “siêu đô thị”, nơi con người tập trung sinh sống đông đúc. Vào 8 giờ 50 phút ngày 26/9/2019, ứng dụng quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi TP.HCM xếp thứ 3 về mức độ ô nhiễm.

Mặc dù những thông số này nhận được nhiều ý kiến phản hồi về sự chính xác, nhất là từ một số đơn vị chức năng làm nhiệm vụ đo lường chất lượng không khí của các thành phố này, nhưng rõ ràng tâm lý bất an của người dân là có thật.

Sống ở thành phố xanh ảnh 1

Tại các cửa hàng điện máy, nhu cầu đặt mua các loại máy lọc không khí tăng vọt, trong khi chất lượng máy không biết đâu mà lần. Chưa kể, nếu môi trường chung mà ô nhiễm thì thật khó để người ta dù có điều kiện đến đâu “hưởng riêng” một bầu không khí trong sạch. Vậy là người ta chỉ còn biết mơ về những nơi xanh mát, rợp bóng cây, bớt tiếng còi, bớt khi thải từ xe ô tô, xe máy…

Nhưng có một nơi ở Việt Nam người ta đang được sống như vậy. Đó là xứ Huế, nơi những người nào quá năng động có thể nhận thấy hơi buồn tẻ. Nhưng cuộc sống nơi đây vẫn chầm chậm trôi từ bao đời nay vẫn vậy. Từ cảnh sắc thiên nhiên đến con người nơi đây phù hợp với nhịp sống chậm, hòa nhịp với thiên nhiên. 

Ở đây, núi Ngự là bức bình phong màu xanh che chắn, gắn liền với sông Hương tươi mát chảy vào lòng thành phố Huế.

Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước. Theo thống kê mới nhất, thành phố Huế có hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại I; góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, phát triển không gian xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho thành phố Huế.

Sống ở thành phố xanh ảnh 2

Công viên Thương Bạc xanh mát giữa lòng thành phố Huế

Theo báo cáo của UBND TP. Huế, mật đô cây xanh (công viên, đường phố, thảm cỏ) của Thành phố đạt 12,9 m2/người. Đó là chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan.

Theo tính toán, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3 - 3,9°C khi diện tích đất cây xanh đạt 20 - 50% diện tích đất đô thị. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40 - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình một ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m2 cây xanh để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống. Bởi vậy, TP. Huế xứng đáng là thành phố kiểu mẫu trong tương lai của Việt Nam.

Đó là lý do Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) từng trao bằng công nhận “Thành phố Xanh quốc gia” cho Huế - thành phố đầu tiên tại Việt Nam được công nhận. Tại Diễn đàn du lịch ASEAN 2018 và Hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Thái Lan, cùng với Hội An (Quảng Nam) và Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế cũng đã được trao danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018 - 2020. Để được công nhận thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Huế đã đảm bảo 7 tiêu chí: Quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn.

Gìn giữ nét Huế

Điều đáng nói là so với những số liệu trên, Huế đã từng “xanh” hơn thế. Năm 2013, theo số liệu từ Trung tâm Công viên cây xanh Huế, mật độ cây xanh TP. Huế trung bình đạt tới 14,8 m2/người, trong khi số liệu mới đây là 12,9 m2/người.

Người Huế hiểu điều này và đang nỗ lực để giữ lại màu Xanh. Những ngày “Chủ nhật Xanh” nhưng chiến dịch kiến tạo “Huế - thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch- đẹp - trật tự trị an” trong năm 2019 đã được cả chính quyền và người dân Huế hưởng ứng.

Sống ở thành phố xanh ảnh 3

Tại một ngày “Chủ nhật xanh”, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ từng nhắn nhủ: “Tôi mong muốn mỗi người dân sẽ trồng một cây xanh, thay đổi tư duy và nhận thức đến hành động để góp phần làm cho Huế ngày càng xanh, sạch đẹp, văn minh hơn”.

Người Huế đang hành động vì một xứ Huế bình yên, những mong mỗi du khách phương xa khi đặt chân đến mảnh đất cố đô cũng nâng niu từng nhành cây, ngọn cỏ. Để Huế muôn đời vẫn là Huế mộng, Huế mơ. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan