Ảnh: Thành Nguyễn

Du lịch thời công nghệ

(ĐTCK) Thời buổi công nghệ, cái gì cũng có trên mạng, nhiều thói quen bị thay đổi, kể cả du lịch.

Khi thế giới ngày càng phẳng và khoảng cách địa lý như được thu gần lại bởi sự tiện lợi của phương tiện giao thông, thì du lịch thực sự bùng nổ. Giờ, với nhiều người, một năm nếu không đi đâu đó xa được một hai chuyến là thấy bứt rứt.

Thói quen thường thấy là lên mạng, tìm tour, tìm chuyến, book phòng, đặt vé, rồi xem điểm đến có chỗ nào hay, đẹp, món ăn nào ngon… Mọi thứ trở nên vô cùng đơn giản, thậm chí, chỉ vài cái click chuột là “giao dịch thành công”.

Còn lúc đi chơi, trường hợp thuê xe có tài xế thì không nói, chứ nếu tự mình chạy xe vòng vòng thăm thú, thường tôi thấy, người ta sẽ phụ thuộc nhiều vào “chị Google”. Và tất cả cũng chỉ cần giao tiếp qua chiếc smartphone.

Tất cả đều vô cùng tiện lợi.

Du lịch thời công nghệ ảnh 1

Xe chở xe đi phượt cung Tây Bắc

Nhưng, suy cho cùng, sự tiện lợi cũng như một món đồ ăn nhanh, nhiều cảm xúc và vị giác bị bớt xén. Ngày nay, mọi người thường truyền miệng câu nói vui: Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết, ta tra Google.

Mọi thứ đều có sẵn, cần là có, gõ là thấy, nhưng điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc, vốn đã chẳng lấy gì làm thịnh. Cái chuyện biết và chuyện hiểu, thậm chí cao hơn là tự mình tìm tòi, có những phát hiện, đúc rút riêng rõ ràng là cả một sự khác biệt lớn. Nhờ Goolge, có thể ai đó biết nhiều hơn, nhưng để hiểu ngọn ngành, tôi tin cũng chẳng có mấy người, bởi người có nhu cầu tìm kiếm thường cũng chỉ dừng lại ở mức thông tin, còn người có nhu cầu tìm hiểu sẽ còn đọc vô vàn những thứ quanh đó.

Quay lại chuyện du lịch. Việc phụ thuộc vào công nghệ có lẽ thể hiện rõ nhất ở chuyện chỉ đường. Trên thực tế, cá nhân người viết từng bị không ít vố cay khi “chị Google” cũng nhầm lẫn, hay chưa kịp update tình hình. Có lần khi đi Nam Định, tôi đã phải đi một quãng đường gần 10 km vì phần mềm chưa kịp update về việc có một cây cầu nối hai bờ song. Cách đây ít ngày, tôi có chuyến đi 4 tỉnh Tây Nguyên, cũng vài lần tôi nhờ chị Google chỉ đường, nhưng cơ bản, mình vẫn chủ động, phần vì đã quen thuộc ít nhiều, chỉ cần xem bản đồ để củng cố niềm tin, hai là, tôi muốn theo cách “nguyên thủy” hơn: đường ở mồm mà ra.

Hỏi đường giúp tôi có thêm cơ hội giao tiếp với người bản địa. Thực, trong đời, có không ít điều hay tôi nghe được lại qua những bận hỏi đường. Thứ nữa, khi đi chơi, tôi luôn bố trí dư dả thời gian, nên kể cả nếu có nhầm đường, lạc lối thì cũng chẳng sao, coi như chạy thêm ít đường đất, nhưng có khi đổi lại gặp được cái hay ho.

13 - 14 năm trước, chỉ vì lạc đường, tôi đến được bản Pleiku Ngó (Gia Lai), được học cách làm rượu cần từ củ mỳ (củ sắn) của đồng bào Gia Rai, có được một bài viết và trải nghiệm ra trò. Lần khác, vì lạc đường, tôi “rơi tõm” vào chợ phiên Tam Đường (Lai Châu), được thấy bao sắc màu rực rỡ.

Hôm rồi, nhân nghỉ lễ, mấy anh em rủ nhau lên bản người Dao chơi. Cu em lái xe thì khẳng định chắc nịch với cả đoàn là đi đúng đường và số kilomet, khoảng cách: “vì map báo thế”. Ông anh già cả ngồi sau thì bảo sai bét, với cái lý: “Chị Google của chú có đi đường này bao giờ đâu mà biết, anh đi suốt, phải tin anh”.

Và lần này, kinh nghiệm thực tiễn đã đúng, công nghệ thì tôi biết, thi thoảng vẫn sai.

Du lịch thời công nghệ ảnh 2

Tôi cơ bản vẫn thích cách hỏi đường truyền thống, để được nói chuyện nhiều hơn. Và thậm chí, cả cái cảm giác một chút hoang mang không biết mình đã đi lạc bao xa, để rồi cân nhắc quay lại hay đi tiếp, và rồi tới đích, thì cái trải nghiệm đó cũng thú vị hơn nhiều.

Tôi nhớ, có lần, nhóm chúng tôi 4 người chạy xe máy từ Nha Trang lên Đà Lạt. Với tinh thần chủ quan cậy gì cũng biết và cách tư duy, chả nhẽ dọc đường không có cây xăng, chúng tôi không mang xăng dự trữ. Đường đi, ngược gió, leo đèo, xăng tụt nhanh như uống mà chẳng thấy bóng dáng cây xăng nào, cả lũ chúng tôi vừa lạnh, vừa run, lại vừa sợ dắt bộ. Lần ấy, may thay chúng tôi gặp một điểm bán xăng lẻ, nhưng cảm giác của đoạn đường trước đó mới thật thú vị mà có lẽ, nếu cẩn thận quá, chu đáo quá lại chẳng được trải qua.

Ngày nay, nhiều người đi du lịch chỉ với mục đích có mặt tại điểm đến định sẵn, chụp vài kiểu ảnh, ăn vài món ngon, rồi sau đó, mỗi người ôm một cái điện thoại để đếm like, đọc comment và rồi… cười một mình. Tôi kịch liệt phản đối kiểu du lịch như thế. Trong các cuộc đi chơi, trừ khi có việc cần giải quyết, tôi ít khi dùng điện thoại. Tôi vẫn khoái lê la trò chuyện cùng dân bản địa, nhân viên phục vụ, hay ít ra là lang thang tìm vài góc lạ chụp hình. Giá trị của một chuyến đi không chỉ bởi việc ta xuất hiện ở đó, mà tôi nghĩ, còn là sự hiểu biết về mảnh đất, con người, nét văn hóa… Câu chuyện chúng ta có thể đem ra lúc trà dư tửu hậu cũng không phải là cái tên khu nghỉ, mà chính là những cảm xúc ta có được trong cả cuộc hành trình.

Tôi có vài anh bạn khá thân, do thân, nên khi đi với nhau, chúng tôi bắt ý khá tốt. Bữa rồi anh bạn hẹn, lập đội xong xuôi tôi hỏi: Đi đâu, mấy ngày? Anh bạn cho ngay câu: “Chỉ cần biết là lên bản, rồi đi những đâu, ở đâu không cần lo, thích sao đi vậy mới khoái. Và sẽ về Hà Nội để kịp đi làm sau ngày nghỉ lễ”.

Kết quả, đúng như vậy. Kế hoạch của chúng tôi thay đổi xoành xoạch. Lúc đầu định lên Sapa ngủ, sang sau vào bản, rồi đi Mường Hum, sau đó quay về Bắc Hà, rồi xuôi. Ấy thể mà kế hoạch vỡ, đêm đó chúng tôi nhậu ở Lào Cai, rồi hâm lên còn phi vào tận Bát Xát uống cà phê, và cuối cùng ngủ lại thành phố. Hôm sau lên Sapa, cũng đổi lịch, gặp bạn chơi rồi ẩm thực, rồi lại dắt díu nhau vào Tả Van, định bụng ngủ đó, nhưng cuối cùng, cả đám lại quay ngược ra thị trấn, vào tận bản Phùng để ngủ… Mấy ngày như thế, chúng tôi tiêu dao tự tại, thích đi đâu thì đi, thích ăn gì thì ăn, thích dừng lúc nào thì dừng, vui phải biết…

Du lịch thời công nghệ ảnh 3

Tiếp xăng giữa đường

Đấy, tôi khoái đi du lịch là phải bụi bặm như thế, phải đẩy cảm xúc lên cao như thế. Mà cái này, công nghệ không mang lại được, thậm chí đôi khi đánh cắp mất.

Qua chuyến đi này tôi cũng nghiệm ra, một anh bạn trong đoàn là người rất giàu vốn sống và để có được điều đó, dường như anh luôn cố gắng tối đa để giao tiếp cùng người khác, để nghe, để hiểu và để học. Du lịch, với anh vừa là thư giãn, vừa là dịp bổ sung tri thức.

Tin bài liên quan