Ẩm thực đường xa

Ẩm thực đường xa

(ĐTCK) Nếu bạn là người hay xê dịch, tôi cá bạn cũng thuộc tuýp tìm thấy niềm vui trong ẩm thực, trong các chuyến đi xa.

Du lịch đang thực sự trở thành mốt thời thượng với nhiều người. Ngày nay, người ta có thể đi du lịch đến vài lần/năm. Và trong các chuyến đi, bao giờ cũng vậy, việc ăn gì, ở đâu luôn được đề cập trước tiên.

Với tôi, đi du lịch thực chất là trải nghiệm điểm đến, văn hóa. Và đương nhiên, không thể thiếu, đó là ẩm thực. Chẳng phải, người ta ví Việt Nam là nhà bếp của thế giới đó sao. Mình lại là thổ địa, tội gì mà không thưởng thức.

Có điều, theo một quan niệm riêng của người viết, cái thú vị của ẩm thực trong các chuyến đi xa, chủ yếu gắn với những món ăn dân dã, bình dị, chứ không phải các món ăn công thức được chế biến trong các khách sạn, resort đắt tiền.

Trong các chuyến đi của mình, tôi may mắn thường có bạn bè chỉ đường, dẫn lối. Và đương nhiên, tâm hồn đồng điệu về khoản ăn, chuyện uống cũng thường dắt díu nhau tới những chỗ có đồ ngon, người chế biến giỏi.

Ẩm thực đường xa ảnh 1

Tôi thích một tô bún mắm ăn vội ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), một bát bún đỏ trên phố Nguyễn Công Trứ (gần ngã 6 Ban Mê Thuột, Đăk Lắk). Có khi, là đĩa bánh Hỏi đâu đó ở Quy Nhơn (Bình Định). Hay có lần, tôi đã ăn đến thỏa thích món hoa đu đủ đực, cà đắng hấp, một đặc sản của phố núi Pleiku (Gia Lai). Thậm chí có lần, khi không rủ được ai, tôi đã phải bắt taxi một mình đi ăn món “Đèn pha đại dương” - mắt cá ngừ, một đặc sản của Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết.

Tôi khoái la cà và thưởng thức các món ăn nổi tiếng, đặc sản của các vùng miền mình đến, nhưng không hẳn phải là những địa chỉ nức tiếng, vang danh mà dân mạng đã thi nhau review, ca tụng. Có khi, đó chỉ là một quán bình dị bên đường, có chị chủ dễ mến mà bác xe ôm giới thiệu. Tôi thích cái ngẫu hứng trong việc chọn quán (dĩ nhiên, cũng có bận bị mua lấy cái bực mình), rồi cả cái sự ngẫu hứng khi nêm nếm gia vị, trong lúc chế món và đưa đẩy dăm ba câu chuyện với người làm. Bởi ăn không thì nhạt lắm.

Tôi luôn thích xem cách người ta làm món thế nào, kiểu cách chế biến ra sao dù biết chỉ để kiểm nghiệm khi ăn chứ chưa bao giờ nấu thử.

Có bận, tôi về Cà Mau, lần mò bằng được một quán bán thịt chuột, vào tận bếp, xem bà chủ lựa thịt, băm chặt, ướp và nấu món. Mà hình như, lần nào được xem kỹ vậy, lúc ăn thấy cũng ngon hơn. Với tôi, du lịch và ẩm thực cũng giống nhau, đó là một cuộc phiêu lưu, chỉ khác một đằng chủ yếu bằng mắt, còn đằng kia, là tất cả các cơ quan cảm giác.

Ẩm thực đường xa ảnh 2

Đi miết, tôi nghiệm ra một điều, trong những chuyến đi xa, khám phá đó đây, vị ngon của món ăn dẫu chỉ kéo dài vài phút, nhưng cảm xúc của nó lại có thể theo ta cả một cuộc đời. Đúng với câu: Món ngon nhớ lâu.

Cũng không biết với người khác thì sao, còn tôi lại tin, những món ngon sẽ trở thành một loại tế bào hay nơ-ron thần kinh nào đó, trú ẩn trong mỗi người, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong tâm trí, để chỉ khi nhắc đến một vùng đất, một kỷ niệm chứ chưa hẳn phải nhắc đến món ăn đó, là ta đã có thể tứa nước miếng vì thèm.

Năm ngoái, áp Tết, tôi mò mẫm theo chân anh bạn lên bản Khoang (Lào Cai) để vào ngủ bản, bắt lợn. Bữa đó trời lạnh, đón chúng tôi là mấy người bạn Dao dễ gần. Bên bếp lửa, một cái chảo lớn chứa đầy lá thuốc đang sôi ùng ục, mùi hương của đủ kỳ hoa dị thảo mà tôi chẳng biết tên theo hơi nước bay lên, thơm lắm. Bữa đó, lần đầu được tắm lá thuốc người Dao chính hiệu.

Đó là món quà đầu tiên mà chủ nhà dành tặng nhóm khách dưới xuôi. Tôi hỏi ra thì được biết, có đến hơn 20 loại cây, quả trong chảo. Tất cả tạo nên một nồi thuốc tắm đậm đặc, nguyên bản đồng bào. Tôi đã dầm mình trong thùng gỗ phải đến 30 phút, quên sạch mệt nhọc của đoạn đường dài.

Nhưng chưa hết, đó mới chỉ là sự mở đầu cho một màn ẩm thực đúng điệu. Ngoài trời gió hú, mưa rơi, lạnh tê tái. Trong nhà, bên bếp lửa hồng lại ấm áp, hai thế giới này chỉ cách nhau lớp vách, cánh cửa. Bên bếp, hai miếng lườn lợn bản được ướp gia vị đơn sơ, kẹp trong cành tre tươi dựng bên bếp than hồng. Tôi hỏi thì được biết gia vị chỉ gồm mắm, muối, mỳ chính và mấy loại lá rừng. Trên bếp là một nồi thịt lợn, mà đến bữa mang ra chặt, khói bay nghi ngút. Trên bàn, có đến chục bát tiết canh, thoảng thơm mùi hạt dổi.

Đấy, cả một con lợn chỉ làm được ba món, cách chế biến cũng rất giản đơn, nhưng bên bếp lửa rừng rực cháy, với lớp khói quẩn quanh người, trong ngôi nhà đồng bào, bữa đó, tôi ăn thấy ngon miệng vô cùng.

Cố nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà, một cựu đồng nghiệp của tôi từng đúc kết, có 4 yếu tố để đảm bảo một bữa ăn ngon, gồm: Người - Lúc - Thức - Chỗ. Cụ thể ra, đó là người ngồi ăn cùng, thời điểm ăn, thức ăn và chỗ ăn. Và bữa đó, cả 4 yếu tố này đủ cả.

Từng ăn bao lần thịt lợn bản, nhưng thú thực, đó là lần tôi thấy ngon nhất. Tôi tin, món ngon đến cả từ cách chế biến độc đáo, nhưng cái khí tượng vùng cao, những con người dễ mến ta gặp, và cả tâm lý hưng phấn đã tạo nên điều đó.

Tôi cũng tin, ẩm thực có sức hút không kém cảnh đẹp, có thể đó là lý do cho những chuyến đi xa, để được thưởng thức, để cảm lại thêm lần nữa. Năm rồi, khi anh bạn rủ trở lại bản Khoang giết lợn ăn Tết Độc lập cùng đồng bào, tôi đã chẳng ngần ngại mà gục gặc cái đầu đồng ý. Lần thứ hai, còn thú hơn khi chúng tôi có trọn 2 ngày nằm bản, được đi bắt lợn, được tham gia từ đầu vào khâu chế biến trước khi thưởng thức. Một thu hoạch nữa, lần này tôi có thêm cái tên Dao: Chảo Duần Phú (“Chảo Duần” là họ và tên đệm, còn “Phú”, theo giải thích của ông bố người Dao, có nghĩa là sung túc).

Với ẩm thực, cái điều thú vị chính là sự biến tấu trong mỗi lần thưởng thức. Không những vậy, cảm xúc, tâm trạng cũng là những yếu tố tác động mạnh đến việc cảm món ăn. Còn tôi, tôi vẫn tin rằng, với mỗi món ăn ngon, nó không chỉ khiến người ta nhớ lâu, mà còn thực là sứ giả của tình bằng hữu, giúp ta thêm quý, thêm yêu về con người, một vùng đất nào đó.

Tin bài liên quan