Tranh cãi về trách nhiệm bồi thường giữa khách hàng và công ty, một tình huống thường thấy là công ty sẽ cho rằng, trách nhiệm là do nhân viên của họ làm và khách hàng “đi mà đòi nhân viên”. Ông nghĩ sao về điều này, cả về mặt đạo lý và pháp lý?
Tình huống này không hiếm gặp trên thực tế, thường được đặt ra khi mà khách hàng (người sử dụng dịch vụ, hàng hóa) của công ty bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại; trong khi đó, phía công ty có quan điểm xác định thiệt hại của khách hàng là do lỗi cá nhân của nhân viên, hoặc là sự cố khách quan, hay thậm chí là hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu không có sự thống nhất về bồi thường, về bù đắp thiệt hại, thì đều dẫn tới tranh chấp. Loại trừ trường hợp bất khả kháng hay hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, đa phần các tranh chấp dạng này xoay quanh vấn đề cốt lõi là việc bóc tách trách nhiệm giữa cá nhân người lao động và công ty, doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Nếu nhìn nhận dưới góc độ đạo lý ra, tôi nghĩ cũng cần suy xét bao quát. Vì không hẳn, công ty cứ phải một mực nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình mới được gọi là đúng đạo lý, cho dù thực tế, với nhiều công ty, tập đoàn lớn, họ vẫn luôn sẵn sàng nhận phần thiệt về mình trước hết. Dù vậy, theo tôi, đánh giá ứng xử nào đó của công ty, doanh nghiệp về đạo lý cũng cần phải dựa trên đánh giá cặn kẽ về căn cứ pháp lý.
Còn dưới góc độ pháp lý, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm pháp lý đặt ra cho cá nhân người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Bộ luật Dân sự có thể tạm nhìn nhận tại 2 quy định về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra” và “Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra” (ở đây không đề cập đến trường hợp trách nhiệm của người thi hành công vụ, cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước).
Về vấn đề trên, một nguyên tắc được ghi nhận từ Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), đó là người sử dụng lao động (tạm sử dụng khái niệm này để khái quát cho các trường hợp) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước, sau đó mới có quyền yêu cầu các bên có lỗi (gồm cả người lao động) hoàn trả lại một số tiền.
Luật sư Hồ Anh Khoa
Mặc dù Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong khi thực hiện nhiệm vụ pháp nhân thuộc về pháp nhân đó, nhưng thực tế ở những vụ án hình sự và vụ kiện dân sự cho thấy, tranh cãi về trách nhiệm thường kéo dài. Theo ông, vì sao lại như vậy, dù có thể nói rằng, Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005, rất khó để có nhiều cách hiểu?
Đồng ý rằng, Bộ luật Dân sự 2005, cũng như Bộ luật Dân sự 2015 đã khẳng định rõ ràng về nguyên tắc xác định trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc xác định thực tế các yếu tố pháp lý cần thiết để xem xét đúng trách nhiệm đối với thiệt hại, tất nhiên, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào từng tình huống cụ thể.
Theo nguyên tắc pháp lý, chỉ cần xác định được người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Tuy vậy, dưới vị trí của người sử dụng lao động, không ít trường hợp, họ có xu hướng “đẩy” phần trách nhiệm sang cho cá nhân người lao động. Vì họ biết, nếu cứ “đứng mũi chịu sào” trước bên thiệt hại, để rồi sau đó đi “đòi” người lao động thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, cho dù mình có căn cứ để đòi.
Thế nên, nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách chứng minh quan hệ giữa cá nhân và bên thiệt hại là quan hệ độc lập, không liên quan đến công ty, doanh nghiệp. Cho dù cá nhân người lao động khi có hành vi vi phạm vẫn trong quá trình thực hiện công việc được giao, hoặc thậm chí vẫn dưới tư cách công ty, doanh nghiệp.
Nhưng cũng với thực tế pháp lý này, có nhiều trường hợp công ty, doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn phải là bên “giơ đầu chịu báng” cho những hành vi vi phạm của cá nhân người lao động; khi mà bên thiệt hại viện căn cứ tại Bộ luật Dân sự, chứng minh người lao động sử dụng tư cách của công ty, doanh nghiệp để thực hiện hành vi sai phạm, thậm chí công ty, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã được hưởng lợi ích từ việc làm của người lao động…
Năm nay, Bộ luật Dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực. Ông đánh giá quy định mới của bộ luật này sẽ tác động như thế nào tới vấn đề nêu trên? Đâu là điểm thắt pháp lý cần được tháo gỡ để hạn chế những tranh cãi về trách nhiệm này, thưa ông?
Theo quan điểm cá nhân, tôi nghi ngờ về hiệu quả đột biến của các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về vấn đề bồi thường do người lao động của người sử dụng lao động, vì thực tế câu chữ tại các Điều khoản này gần như không thay đổi với quy định tương ứng tại Bộ luật Dân sự 2005.
Theo tôi, nên chăng, cần quy phạm hóa các yếu tố pháp lý mà thực tế đã được sử dụng để xác định, bóc tách trách nhiệm của các bên, hoặc chí ít là giải thích rõ hơn quy định của Luật. Việc ghi nhận đơn thuần như tại Bộ luật Dân sự, hoàn toàn có thể dẫn đến những cách suy diễn khác nhau.
Theo ông, khách hàng cần chú ý những điểm gì khi giao dịch, để tránh xảy ra tranh chấp sau này?
Theo tôi, trước tiên, khách hàng, người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ nên hạn chế việc những giao dịch mang tính chất cá nhân đan xen vào giao dịch giữa mình và công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Nếu có, cũng cần ghi nhận rõ các căn cứ xác định tính độc lập giữa các giao dịch với nhau.
Khách hàng cũng cần chủ động trong việc kết nối thông tin với chính công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nhằm hạn chế rủi ro của nhân sự đang thực hiện công việc được giao có hành vi sai phạm hòng “qua mặt” cả công ty, doanh nghiệp lẫn khách hàng.
Điều 597 – Bộ luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.