Cảnh xếp hàng mua trà sữa trên một con phố tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông

Cảnh xếp hàng mua trà sữa trên một con phố tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông

Trà sữa, vì sao dân Việt đổ xô mở cửa hàng kinh doanh?

Một anh nhân viên ngân hàng, hay bà chủ tiệm tạp hóa cũng dễ dàng đứng ra kinh doanh món trà sữa đang trở thành trào lưu tại Việt Nam.

Khoảng nửa tháng nay, anh Văn (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên về một huyện ở gần quê để khảo sát tiềm năng kinh doanh trà sữa tại đây.

Là nhân viên tín dụng một ngân hàng, cuối năm ngoái, anh cùng bạn góp vốn để mở cửa hàng trà sữa theo mô hình nhượng quyền khi nhận thấy trào lưu của loại đồ uống này phát triển rầm rộ.

Tổng chi phí thương hiệu, đầu tư mặt bằng và trang trí cửa hàng vào khoảng 1,7 tỷ đồng, sau 7 tháng anh thu hồi vốn.

Đây cũng là lúc anh tính mở thêm một cửa hàng nữa ở khu vực ngoại thành Hà Nội, và cân nhắc việc kinh doanh mặt hàng này tại một số địa phương với chiến lược phủ đến cấp huyện, thị trấn. 

"Tuy nhiên, ở cấp tỉnh tôi sẽ sử dụng thương hiệu có chi phí nhượng quyền thấp hơn. Còn các cửa hàng tuyến huyện, tôi tự xây dựng thương hiệu riêng để giảm chi phí đầu tư ban đầu bởi đã có sẵn công thức pha chế. Theo đó, mức giá bán mỗi cốc sẽ giảm một nửa, phù hợp với thu nhập của dân cư ở đây", anh Văn nói. 

Chỉ cần gõ cụm từ "nhượng quyền trà sữa" trên google sẽ cho ra hơn 200.000 kết quả trong chưa đầy một giây. Và cũng với cách làm tương tự với cụm "kinh nghiệm kinh doanh trà sữa" sẽ được trả về gần 400.000 kết quả. 

Anh Tuấn, người đang sở hữu 3 cửa hàng trà sữa tại Hà Nội cho biết hoạt động khá tích cực. 3 tháng gần đây, tuần nào cũng có người liên hệ với anh để tìm hiểu kinh nghiệm mở cửa hàng.

"Họ có thể là người muốn kinh doanh nhượng quyền hoặc tự xây dựng thương hiệu riêng.

Những yếu tố mà nhiều người quan tâm nhất là doanh thu, lợi nhuận, các rủi ro có thể phải đối mặt và liệu xu hướng kinh doanh này có thoái trào trong thời gian tới như một số sản phẩm đồ uống khác hay không", anh Tuấn cho hay. 

Dù du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, song khoảng 3-4 năm gần đây, thị trường trà sữa mới bùng nổ sau khi một loạt các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài tham gia.

Sự gia nhập của các thương hiệu lớn cũng khiến kinh doanh trà sữa tự phát bùng nổ dưới nhiều hình thức khác nhau, với cách pha chế được biến đổi đa dạng hơn, trong đó không thể không nhắc tới độ hiệu quả về truyền thông khiến thức uống này trở thành một "trào lưu". 

Chị Thu, nhân viên hành chính một công ty bất động sản vốn có đam mê với ngành đồ uống cuối năm ngoái cũng quyết định nghỉ việc để kinh doanh trà sữa.

"Ban đầu tôi định kinh doanh nhượng quyền nhưng khi tìm hiểu thì thấy chi phí cao quá. Trong khi đó, bản thân cũng có khả năng tự học để pha chế, biến tấu, và xây dựng thương hiệu riêng", chị Thu nói. 

Việc kinh doanh của chị bắt đầu ngay sau khi nghỉ việc bằng hình thức kinh doanh online với gần hơn 12 hương vị trà sữa cùng một số loại đồ uống khác. Chị pha chế tại nhà và giao khi khách hàng gọi điện đặt.

Được một thời gian, khi có lượng khách ổn định và thực đơn đa dạng, chị Thu mở cửa hàng gần khu vực có nhiều trường học. Dù xung quanh có rất nhiều cửa hàng nhượng quyền thương hiệu lớn, song chị Thu vẫn có một lượng khách hàng riêng khá đều đặn bởi mức giá cạnh tranh.

Hiện chị đang lên kế hoạch mở thêm một số địa điểm kinh doanh nữa, nhưng sẽ tập trung ở khu vực ngoại thành Hà Nội. 

"Đâu phải ai cũng có thu nhập cao để sẵn sàng mua cốc trà sữa 40.000-50.000 đồng. Vì thế vẫn còn nhóm phân khúc khách hàng có thu nhập thấp hơn mà thị trường chưa khai thác hết. Tôi chỉ tập trung vào nhóm này. Họ cũng đòi hỏi chất lượng ở mức vừa phải", chị Thu nói. 

Bên cạnh những cửa hàng lớn, nhỏ chuyên bán trà sữa, nhiều cửa hàng đồ uống, cà phê, quán chè, thậm chí là xe đẩy bán hàng rong cũng bổ sung trà sữa vào thực đơn.

"Cách đây khoảng một năm, khi các cháu học sinh mua hàng cứ hỏi trà sữa, tôi tìm hiểu thì thấy loại hương vị đơn giản cũng không khó pha chế nên đã bán thêm. Không ngờ thời tiết mùa hè có hôm bán 50-70 cốc", chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa ngay cổng một trường tiểu học tại Cầu Giấy cho hay. 

Thậm chí, không ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi bên cạnh quầy thực phẩm chế biến sẵn, trà sữa cũng được đóng chai với các hương vị khác nhau để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Sở dĩ "nhà nhà, người người" có thể nhanh chóng tham gia vào thị trường trà sữa là vì cách thức làm sản phẩm này không quá phức tạp.

Với những nhà đầu tư bài bản, có thương hiệu, nguyên liệu cấu thành ra sản phẩm thường được nhập từ Đài Loan, gồm trân châu giá 500.000-800.000 đồng một kg; bột trà trên 300.000 đồng một kg, cùng các hương liệu khác.

Còn với người kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu đến từ nhiều nơi không rõ nguồn gốc và có giá khá rẻ, tầm khoảng 150.000-180.000 đồng một kg.

Thậm chí, tại chợ Bình Tây (TP HCM), một kg bột trà có giá bán chưa tới 20.000 đồng. Trung bình, một kg trân châu, người bán pha được 30 ly.

Tại một cuộc hội thảo về thị trường trà sữa và F&B, Lozi - đơn vị cung cấp ứng dụng chia sẻ trải nghiệm về địa điểm ăn uống đã công bố một khảo sát cho thấy, cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa và dự kiến đến cuối năm, con số này còn tăng mạnh khi một loạt các thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, đây mới là con số thống kê dựa trên những đơn vị kinh doanh có thương hiệu. 

Tin bài liên quan