Theo UBCK, cổ đông, nhà đầu tư nên có ý thức cao hơn về quyền của mình và khởi kiện khi doanh nghiệp vi phạm

Theo UBCK, cổ đông, nhà đầu tư nên có ý thức cao hơn về quyền của mình và khởi kiện khi doanh nghiệp vi phạm

Trả cổ tức sao cho đỡ tức, Ủy ban Chứng khoán lên tiếng

(ĐTCK) Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, việc đưa ra quy định cứng về áp dụng “ngày công bố” (công ty ghi nhận vào sổ sách “khoản nợ” để trả cổ tức) như ý kiến của chuyên gia là không khả thi tại Việt Nam.

Tiếp nối bài viết phản ánh ý kiến của chuyên gia về khiếm khuyết của quy định pháp lý dẫn đến hiện không có “ngày công bố” trả cổ tức, thiếu sót này cộng với trình tự thực hiện cứng và đơn điệu, thủ tục điều chỉnh giá, thuế không hợp lý, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư…, đại diện UBCK cho rằng, góc nhìn này không khả thi nếu đưa ra quy định cứng buộc doanh nghiệp phải tuân thủ bởi các lý do sau.

Đầu tiên, xét về hình thức, tuy chưa có “ngày công bố”, đúng như các ý kiến phản ánh, nhưng trên thực tế thông tin về trả cổ tức được thể hiện tại nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc nghị quyết của Hội đồng quản trị, cũng như tại thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức sau khi phương án trả cổ tức của doanh nghiệp được UBCK chấp thuận.

Tùy hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp, cũng như các mục tiêu ưu tiên, mà doanh nghiệp đưa ra quyết định có trả cổ tức hay không, chứ pháp lý đưa ra quy định cứng về “ngày công bố” là không phù hợp, khó khả thi.

Điều này có nghĩa là việc công bố thông tin về trả cổ tức được trao quyền cho Đại hội đồng cổ đông, cho doanh nghiệp để đảm bảo giảm thiểu sự can thiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, trao quyền cho các cổ đông tự quyết việc có phân phối lợi nhuận hay không, nếu có thì với mức nào, bao giờ trả, là phù hợp vì họ là người làm chủ đồng vốn góp vào doanh nghiệp, nên họ biết làm cách nào để có lợi nhất cho doanh nghiệp, cũng như có lợi cho đồng vốn đầu tư của họ.

Mặt khác, tùy hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp, cũng như các mục tiêu ưu tiên (dồn vốn để tăng đầu tư, mở rộng thị trường, hay trả cổ tức để giữ chân cổ đông…), mà doanh nghiệp đưa ra quyết định có trả cổ tức hay không, chứ pháp lý đưa ra quy định cứng về “ngày công bố” là không phù hợp, khó khả thi.

Mặt khác, theo quy trình chi trả cổ tức hiện tại, sau khi Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của công ty thông qua phương án chi trả cổ tức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trả cổ tức lên UBCK.

Khi nhận được thông tin đầy đủ, hợp pháp của doanh nghiệp, UBCK sẽ xem xét doanh nghiệp có nguồn để chi trả cổ tức hay không. Nếu có nguồn, thì UBCK chấp thuận phương án trả cổ tức, sau đó doanh nghiệp mới công bố chi tiết các thông tin về ngày giao dịch không hưởng quyền, ngày chi trả cổ tức…

Đây được coi là ngày công bố thông tin chính thức về chi trả cổ tức, còn trước thời điểm này chỉ là thông tin ban đầu từ phía doanh nghiệp, mà chưa có sự chấp thuận của cơ quan quản lý, nên mức độ chắc chắn về chi trả cổ tức chưa rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi UBCK chấp thuận, thì phương án trả cổ tức gần như chắc chắn sẽ được thực hiện ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng (ít xảy ra).

Ý kiến của chuyên gia cho rằng, nếu không có “ngày công bố”, thì sổ sách kế toán công ty sẽ không có bút tích ghi nhận khoản nợ này. Việc không có cột mốc để thực hiện bút toán điều chỉnh sẽ làm cho nguồn vốn chủ sở hữu (phần lợi nhuận giữ lại) thể hiện một “khoản ảo” từ ngày công bố đến ngày chi trả.

Khoản ảo này có khi rất lớn, nên thể hiện sự kém minh bạch trong các giao dịch tài chính liên quan đến tài sản thuần... Tuy nhiên, đại diện UBCK không cho là như vậy, bởi bất kỳ một tài sản nào còn nằm tại doanh nghiệp, thì nó vẫn là một cấu phần trong tổng tài sản, chứ không thể nói là phản ánh giá trị ảo.

Mặt khác, ý kiến của chuyên gia cho rằng, cần có “ngày công bố” để ràng buộc trách nhiệm chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, UBCK có quan điểm, ngay cả khi đã công bố, nhưng nếu doanh nghiệp có những toan tính gian dối trong công bố thông tin này, thì vẫn có khả năng họ chây ì, thậm chí không chi trả cổ tức trong thời gian dài.

Trên thực tế, có những doanh nghiệp nợ cổ tức tới vài năm, gây bức xúc cho các cổ đông. Do đó, để ràng buộc nghĩa vụ trả cổ tức của doanh nghiệp, Khoản 4, Điều 132, Luật Doanh nghiệp quy định: “cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên”.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định này, đương nhiên cổ đông có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án để yêu cầu cơ quan này xem xét đưa ra phán quyết buộc doanh nghiệp phải trả cổ tức.

Nhà quản lý không cho là nên sửa hay bổ sung các ràng buộc về quy định trả cổ tức, mà nên khuyến khích cổ đông, nhà đầu tư ý thức cao hơn về quyền của mình và khởi kiện khi doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế TTCK Việt Nam có rất ít nhà đầu tư dài hạn, “chiến đấu” vì quyền lợi của mình và người khác. Bên cạnh đó, thủ tục khởi kiện và theo kiện phức tạp cũng là một rào cản nếu cổ đông muốn bảo vệ mình theo cách này.          

Tin bài liên quan