TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội của một đợt sóng tăng trưởng mới cả về chất và lượng

TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội của một đợt sóng tăng trưởng mới cả về chất và lượng

TPP: Cơ hội mới với khối CTCK

(ĐTCK) So với cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung một số loại hình dịch vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với khối CTCK, nhưng cơ hội được đánh giá là nhiều hơn.

Thêm thách thức

Theo Bộ Tài chính, các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các NĐT nước ngoài; áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các NĐT; đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.

Liên quan đến cam kết mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, so với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

“Nói ngành chứng khoán được hưởng lợi từ TPP không phải là không có cơ sở. Trước hết, khi DN tái cấu trúc sẽ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tái cấu trúc, chiến lược... do các CTCK cung cấp” - Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Sacombank

Đề cập chi tiết hơn các dịch vụ mới trên, ông Tạ Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như: cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan qua biên giới, nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài cung cấp các dịch vụ đó qua biên giới sẽ được Việt Nam đối xử không kém thuận lợi hơn so với nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước cung cấp các dịch vụ tương tự.

Về cơ bản, cung cấp qua biên giới là không yêu cầu có hiện diện thương mại tại nước mà dịch vụ đó được cung cấp. Tuy nhiên, phạm vi các thông tin tài chính và dữ liệu tài chính được phép cung cấp để chuyển và xử lý sẽ do cơ quan quản lý quy định cụ thể… Cam kết trong TPP không ngăn cản cơ quan quản lý trong nước thực thi các biện pháp quản lý cẩn trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ trong nước.

Liên quan đến cơ chế bảo hộ NĐT nước ngoài theo cam kết TPP, theo Bộ Tài chính, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính đi kèm với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu. Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: nhà nước và nhà nước; NĐT và nhà nước.

Đặc biệt, cơ chế NĐT với nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các NĐT khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả. Qua đó, giúp bảo vệ quyền lợi của NĐT khi tham gia thị trường.

Với bước mở cửa trên, tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ chứng khoán thời gian tới sẽ gay gắt hơn. Điều này sẽ tạo ra không ít thách thức với khối CTCK nội địa. Tuy nhiên, theo ông Thăng, các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP còn cho phép đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước. Theo đó, TPP cho phép các nước áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ quyền lợi và thông tin cá nhân… nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, an toàn. 

… nhưng nhiều cơ hội mới

Bên cạnh những thách thức, áp lực do phải chia sẻ thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài sau khi TPP có hiệu lực, thì cơ hội cho các CTCK Việt Nam được đánh giá là nhiều hơn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho rằng, tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Việc mở cửa thị trường tài chính sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới, đẩy giá trị giao dịch tăng, nên ngành chứng khoán gián tiếp được hưởng lợi. Cùng với đó, giao dịch của khối ngoại sẽ được mở rộng. Vốn ngoại có nhiều cơ hội đổ vào thị trường Việt Nam mạnh hơn. Giao dịch và thanh khoản tăng sẽ giúp doanh thu của khối CTCK tăng trưởng.

Thực tế, TPP đã giúp các mã cổ phiếu ngành dệt may, thủy sản… trở nên hấp dẫn hơn với NĐT. Xét trong dài hạn, khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, dựa trên nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, DN niêm yết và giá cổ phiếu sẽ được hỗ trợ. Nhìn rộng hơn, Việt Nam gia nhập WTO hay TPP đang làm tăng cơ hội giúp hàng hóa trong nước tiếp cận nhiều thị trường quốc tế với các điều kiện ưu đãi hơn. Ngược lại, ngay trên sân nhà, các DN Việt Nam phải đủ mạnh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập khi các dòng thuế bảo hộ lâu nay được dỡ bỏ dần về 0%.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Sacombank (SBS), một quốc gia hưng thịnh về kinh tế phải nhờ đến các tập đoàn, DN lớn trong nước. Để làm được điều này, ngoài bản thân DN tự thân phát triển, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của nhà nước để giúp DN có lợi thế vững chắc ngay trên sân nhà, đủ lớn để đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. TTCK Việt Nam được Nhà nước quan tâm, thúc đẩy phát triển, nên đã hỗ trợ các DN tăng vốn nhanh, qua đó góp phần tạo ra các DN lớn như: VNM, VIC, FPT…

So với các TTCK trong khu vực, hiện TTCK Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai và đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Với tỷ lệ vốn hóa chiếm hơn 30% GDP, TTCK Việt Nam còn nhỏ bé và còn nhiều tiềm năng phát triển. Trong thời gian tới, dự báo có nhiều DN lên niêm yết, trong khi quá trình cổ phần hóa DNNN đang được đẩy mạnh, sẽ góp phần bổ sung hàng hóa mới cho thị trường.

Nằm trong nỗ lực hiện đại hóa thị trường, nâng hạng TTCK, các sản phẩm chứng khoán phái sinh, cũng như các chính sách hỗ trợ cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư, dịch vụ tài chính dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2016.

Với cái nhìn lạc quan, ông Khanh đánh giá, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội của một đợt sóng tăng trưởng mới cả về chất và lượng. Sẽ có các đợt M&A, nên các CTCK cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón bắt các cơ hội mới, cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Khối CTCK sau các đợt thanh lọc đã có nhiều kinh nghiệm, quản trị rủi ro tốt hơn sẽ từng bước ổn định và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

“Nói ngành chứng khoán được hưởng lợi từ TPP không phải là không có cơ sở. Trước hết, khi DN tái cấu trúc sẽ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tái cấu trúc, chiến lược... do các CTCK cung cấp”, ông Khanh nói và nhìn nhận, nền kinh tế có nhiều cơ hội tăng trưởng và DN có nhu cầu tăng vốn, nên các CTCK cũng là nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các DN trong quá trình huy động vốn. Ngoài ra, các DN và NĐT nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, thị phần, cũng sẽ mở ra cơ hội cho khối CTCK cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tượng NĐT này.

Tin bài liên quan