TP. HCM: Kế hoạch cổ phần hóa sẽ kịp về đích

TP. HCM: Kế hoạch cổ phần hóa sẽ kịp về đích

(ĐTCK) Theo kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN của Chính phủ trong 2 năm 2014 - 2015, TP. HCM có 31 DN, chiếm 8% chỉ tiêu số DNNN cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Thành phố đã lên kế hoạch cổ phần hóa các DNNN trực thuộc dựa trên đăng ký của DN, mức độ phức tạp trong định giá và phân bổ thời gian thực hiện để theo dõi, hỗ trợ DN cổ phần hóa.

Trong phòng làm việc của ông Huỳnh Trung Lâm, Phó trưởng Ban Đổi mới quản lý DN TP. HCM, có một tấm bảng lớn dài chừng 3 mét để theo dõi tiến độ cổ phần hóa của 31 DN. Khi một DN nằm ở dòng ngang hoàn thành định giá hay thực hiện IPO thành công, sẽ có một dấu sao chấm vào cột tương ứng. Đến thời điểm này, có 3 DN hoàn thành bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) là Công ty TNHH MTV Vật phẩm văn hóa Sài Gòn, Cấp nước Tân Hòa và Cấp nước Trung An.

Theo kế hoạch của TP. HCM thì năm 2014 còn phải cổ phần hóa 15 DN, nhưng theo ông Lâm, có 3 DN sẽ bị chậm tiến độ sang năm 2015; trong đó, có 2 DN trong lĩnh vực bất động sản khó khăn trong định giá DN liên quan đến dự án dang dở chưa được quyết toán.

Còn 12 DN còn lại, đã có quyết định cổ phần hóa 10 DN, 1 DN đang xác định giá trị DN và 1 DN đang trong quá trình phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Theo quy định, cần 2,5 - 3 tháng sau khi xác định giá trị DN để thực hiện các thủ tục IPO. Nên thời gian còn lại của năm, sẽ đủ để hoàn thành nốt khâu cuối là IPO và tổ chức ĐHCĐ lần đầu cho 10 DN.

Theo ông Lâm, các DN đã bán đấu giá lần đầu trong năm 2014 đều thành công và có nhiều tín hiệu cho thấy các DN chuẩn bị đấu giá cũng sẽ thành công. Tháng 10 này, ông Lâm tất bật với các cuộc họp để đảm bảo DN đã có quyết định cổ phần hóa thực hiện đấu giá cổ phần đúng tiến độ.

Trong năm 2015, TP. HCM sẽ hoàn thành cổ phần hóa 22 DN với tỷ lệ vốn Nhà nước từ trên 50% đến 65% và 18 DN vốn Nhà nước chỉ còn dưới 50% sau cổ phần hóa.

Một khó khăn trong quá trình cổ phần hóa DNNN ở TP. HCM là định mức chi phí cổ phần hóa theo quy định đã xây dựng từ nhiều năm trước không còn phù hợp ở thời điểm này. Tuy nhiên, đây là những chi phí hợp lý, hợp lệ nên DN vẫn có thể vận dụng linh hoạt để thực hiện thủ tục.

Theo các công ty chứng khoán tư vấn cho DNNN cổ phần hóa thì các hợp đồng tư vấn cổ phần hóa thường không có lãi do chi phí của DN rất eo hẹp. Công ty chứng khoán chỉ coi dịch vụ này như một cách thức để tiếp cận khách hàng cho các dịch vụ tư vấn tài chính khác phát sinh sau này.

Liên quan đến việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cho DN, ông Lâm đánh giá, thông thường DN thuận lợi trong tìm kiếm cổ đông chiến lược là những DN mà vốn Nhà nước sau cổ phần hóa còn dưới 50%, DN có tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt có cơ sở vật chất ở vị trí thuận lợi. Sau cùng, nhà đầu tư chiến lược mới xét đến yếu tố DN đang làm ăn tốt.

Bên cạnh số DN cổ phần hóa, trong đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt giai đoạn 2014-2015 của các tổng công ty, công ty mẹ thuộc UBND TP. HCM sẽ thoái vốn khỏi những DN ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, hoạt động không hiệu quả. Tổng số vốn thoái giai đoạn 2014 - 2015 là 4.817,7 tỷ đồng và theo kế hoạch, quý IV/2014 phải thoái 1.127,3 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan