TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 40.000 lao động tự do gặp khó khăn vì dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Kể từ ngày 6/7 cho đến nay, hơn 40.000 lao động tự do gặp khó khăn vì dịch Covid-19 tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã được hỗ trợ.
Trong 4 ngày qua (kể từ ngày 6/7), hơn 40.000 người trong tổng số 230.000 lao động tự do được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Trong 4 ngày qua (kể từ ngày 6/7), hơn 40.000 người trong tổng số 230.000 lao động tự do được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Chiều 10/7, báo cáo tại cuộc họp về công tác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, trong 4 ngày qua (kể từ ngày 6/7), các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã thực hiện hỗ trợ hơn 40.000 người trong tổng số 230.000 lao động tự do trong gói hỗ trợ Covid-19 lần này (hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người).

Riêng những người bán vé số lưu động, TP.HCM đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 20.000 người, trong đó có khoảng 8.000 người bán vé số từ các tỉnh về TP.HCM tạm trú.

"Chúng tôi đánh giá tiến độ thực hiện này là nhanh chứ không phải chậm, nhất là khi chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc. Đây là nỗ lực rất lớn của các phường, xã trong 4 ngày qua", ông Tấn chia sẻ.

Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết thêm, theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM yêu cầu việc hỗ trợ cho lao động tự do phải đáp ứng yêu cầu rằng đối tượng này cư trú hợp pháp tại địa phương (có đăng ký tạm trú được công an xác nhận). Do vậy, đối với những trường hợp người lao động chưa có tạm trú, cư trú hợp pháp thì Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tham mưu TP.HCM quan tâm xem xét giải quyết sau.

Theo ông Tấn, Sở đã có đề xuất với UBND TP.HCM xem xét, quyết định hỗ trợ cho lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe ôm công nghệ), xe xích lô, xe ba gác chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bởi hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 33.000 người lái xe ôm truyền thống và 1.000 xe xích lô, ba gác. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định.

Những người này chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… vốn là những điểm phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

“Hiện nay khi thực hiện giãn cách xã hội thì nhóm người lao động này cơ bản cũng bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn. Thế nên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã đề xuất hỗ trợ đối tượng này. Theo đó, trong năm 2020, nhóm lao động này cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ”, ông Tấn thông tin.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Tại sao những người hành nghề xe ôm công nghệ không nằm trong đề xuất hỗ trợ trên, ông Lê Minh Tấn cho biết, người lao động hành nghề xe ôm truyền thống, xích lô, ba gác chở hàng là đối tượng lao động "tự do tự làm", còn xe công nghệ chưa đề cập đến vì nhóm này vẫn chịu sự quản lý của người sử dụng lao động. Nếu nhóm đối tượng này gặp khó khăn thì sẽ được tham mưu, đề xuất hỗ trợ sau.

Tin bài liên quan