Cũng vì Covid-19 mà ngân hàng không muốn "khoe" kết quả kinh doanh tích cực. Ảnh: Dũng Minh

Cũng vì Covid-19 mà ngân hàng không muốn "khoe" kết quả kinh doanh tích cực. Ảnh: Dũng Minh

Tốt - xấu lợi nhuận ngân hàng mùa Covid

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hầu hết ngân hàng vẫn công bố kết quả kinh doanh tốt dù không thực sự muốn, lý do bởi các khoản nợ xấu của năm 2020 chưa thể bộc lộ ngay…

Ngân hàng lãi cao… nhờ Thông tư 01

Đầu tháng 10 vừa qua, khi các ngân hàng đã lác đác công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2020, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chúng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, không cần đến cơ quan quản lý phải nhắc nhở thì các ngân hàng cũng không muốn công bố kết quả kinh doanh tích cực thời điểm này, nhưng đã là quy định thì phải thực hiện.

“Về cơ bản, tôi không muốn công bố kết quả lợi nhuận ngân hàng mình tốt, bởi cầu của nền kinh tế không có thì làm sao doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, rồi ngân hàng có thể cho vay được. Nhưng áp lực mang lại lợi ích cho từng đồng vốn của cổ đông là rất lớn, đồng thời, một trong những yếu tố giúp các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực là Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ nên vẫn có thể báo lãi lớn”, vị này phân tích.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của MB vừa công bố cho thấy, nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm 33% nên lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10%, lên mức 3.015 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.423 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 7% và tương đương 90% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7%, đạt 6.596 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý III/2020 tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giúp Ngân hàng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả ấn tượng trên, ông Sơn cho biết, một trong những lý do chính đó là hoạt động dịch vụ, thu thuần dịch vụ tiếp tục bứt phá trong 9 tháng đầu năm 2020 với mức tăng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng mảng bancassurance tăng hơn 2 lần, đóng góp tỷ trọng 64% vào tổng thu thuần dịch vụ của LienVietPostBank.

Tại VPBank, lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của Ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp của VPBank cho biết, điểm đặc biệt góp phần vào tăng trưởng doanh thu là thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 24%.

Bên cạnh đó, VPBank còn kiểm soát tốt chi phí hoạt động (OPEX), bao gồm số hóa tối đa các khâu vận hành, từ việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) trong phê duyệt tín dụng, đến đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh nền tảng số. VPBank là ngân hàng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về định danh điện tử (eKYC), nhờ vậy mà số lượng khách hàng số tại Ngân hàng mẹ đạt gần 1,7 triệu khách vào cuối quý III/2020, tăng 33% so với cuối năm 2019.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của Techcombank được công bố với doanh thu đạt 19.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,5% và 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Mức lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt được trong 9 tháng qua đã hoàn thành 82,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước (7.100 tỷ đồng).

Quan ngại lợi nhuận âm năm 2020, 2021

Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2020 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho biết, 50% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý III/2020 sẽ “tăng”, thấp hơn so với con số 59,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại quý trước. Nhu cầu vay vốn của khách hàng vẫn được các tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng” nhiều hơn so với nhu cầu dịch vụ thanh toán và gửi tiền với tỷ lệ 45,3%.

Trong quý III/2020, các tổ chức tín dụng vẫn đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng “tăng” và dự kiến tiếp tục tăng trong quý IV với 23,1% tổ chức tín dụng đánh giá và cả năm 2020 với 53,3% tổ chức tín dụng lo ngại so với năm 2019, dù mức độ tăng chậm lại. Hai nhóm khách hàng được đánh giá có mức độ rủi ro “tăng” cao hơn là nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng là công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân với 50% và 52,9% tổ chức tín dụng đánh giá.

Thông tin từ kết quả cuộc điều tra cũng cho biết, tình hình kinh doanh trong quý III/2020 chưa cải thiện được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng tại cuộc điều tra tháng 6/2020, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh “suy giảm” cao gấp đôi so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Quý IV/2020 được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh “cải thiện” với tỷ lệ 67,6% - cao hơn các quý trước. Tuy nhiên, dự kiến cả năm 2020, số tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh năm 2020 “suy giảm nhẹ” so với năm 2019 tăng lên so với kỳ điều tra trước, trong khi có 48,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể “cải thiện” hơn so với năm 2019.

“Cùng xu hướng đánh giá tình hình kinh doanh không thuận lợi, số tổ chức tín dụng quan ngại lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm năm 2020 (không cao hơn 2019) tăng lên, dẫn đến kỳ vọng bình quân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống tiếp tục được điều chỉnh giảm so với các kỳ điều tra trước”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho hay.

Còn vị tổng giám đốc ngân hàng trên giải thích: “Không khó để lý giải khi các ngân hàng lo lắng lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm nay, thậm chí còn cả 2 năm tới bởi nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Nếu tính đúng, tính đủ, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 12-14% và nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021. Điều này đồng nghĩa chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021, 2022 và đương nhiên sẽ ăn mòn lợi nhuận”

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng.

Quan ngại về nợ xấu tăng, chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2020 của Techcombank đã tăng lên mức 2.200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 605 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.

VPBank cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ năm trước (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC), tỷ lệ này ở Ngân hàng mẹ đạt gần 30%, cho dù đã nỗ lực xử lý nợ xấu.

Tương tự, MB đã trích lập dự phòng rủi ro 4.193 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng 14% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đạt 1.982 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ cũng tăng 13% lên 1.016 tỷ đồng.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI ước tính, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng thêm 17% trong năm 2020 và 14% trong năm 2021 (so với mức giảm 16,3% của năm 2019).

Tin bài liên quan