Tổng thống Mỹ ủng hộ xoá bỏ sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 và sự phẫn nộ của ngành dược

Tổng thống Mỹ ủng hộ xoá bỏ sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 và sự phẫn nộ của ngành dược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (5/5), Tổng thống Biden đã thông báo ủng hộ kế hoạch từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19. Đây là quyết định mang tính lịch sử của Tổng thống Biden và là điều đáng mừng cho thế giới nhưng đã gây ra sự phẫn nộ trong ngành dược phẩm.

Quyết định của Tổng thống Biden là một động thái hợp lý trong bối cảnh đại dịch đang tàn phá các quốc gia nhưng những khó khăn thực tế là việc này có thể không giúp được gì nhiều cho các quốc gia bị đại dịch tàn phá. Điều bất lợi là các Big Pharma sẽ ít quan tâm đến việc phát triển các phương pháp điều trị mới trong cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Chính phủ Mỹ trước đó từng chống lại đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc buộc các công ty dược phẩm phải chia sẻ các bằng sáng chế vắc xin của họ trong đại dịch.

Động thái mới này của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ và Brazil gia tăng đáng kể, đây cũng là hai quốc gia đã theo sau các nước phương Tây về khả năng tiếp cận vắc xin.

Katherine Tai, đại diện Thương mại Mỹ cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và tình trạng cấp bách của đại dịch kêu gọi cần thực hiện các biện pháp đặc biệt. Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng để chấm dứt đại dịch này, Washington ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo hộ các phát minh, sáng chế đối với vắc xin Covid-19".

Cùng ngày, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã dành lời khen đối với sự hỗ trợ từ chính quyền Joe Biden trong việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 và gọi đây là một ví dụ về “sự đi đầu trong giải quyết các thách thức về y tế toàn cầu”.

“Tôi không ngạc nhiên trước thông báo này. Đây là điều tôi mong đợi từ chính quyền của Tổng thống Biden”, ông cho biết.

Sự phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp dược

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của các Big Pharma.

“Chia sẻ các bằng sáng chế sẽ là một sai lầm vì bằng sáng chế bảo đảm nguồn tài chính cho công tác nghiên cứu vốn dĩ rất tốn kém mới có thể tìm ra vắc xin”, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết hôm thứ Ba (4/5).

Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp dược phẩm đã mô tả quyết định này là một đòn giáng nặng nề đối với sự đổi mới và sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất toàn cầu vì thiếu cơ sở sản xuất và nhân viên lành nghề.

Hôn thứ Năm (6/5), Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna cho biết, việc từ bỏ bằng sáng chế “sẽ không giúp cung cấp thêm vắc xin mRNA cho thế giới nhanh hơn nữa vào năm 2021 và 2022, đây là thời điểm quan trọng nhất của đại dịch vì không có nhiều nơi có khả năng sản xuất mRNA trên thế giới”.

Jeremy Levin, Chủ tịch Hiệp hội thương mại công nghệ sinh học Bio cho biết: “Các bước của chính quyền ở đây là rất không cần thiết và gây tổn hại. Việc bảo đảm vắc xin nhanh chóng sẽ không phải là kết quả, và tệ hơn nữa vì điều này đặt ra nguyên tắc rằng các công ty đầu tư vào công nghệ mới sẽ đứng trước nguy cơ bị loại bỏ”.

Về lý thuyết, việc loại bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc xin sẽ làm giảm chi phí sản xuất vắc xin cho các nước nghèo hơn và giúp họ dễ dàng phát triển nhiều biện pháp khắc phục hơn. Công dân ở các nước giàu hơn cũng sẽ được lợi, vì số ca lây nhiễm ít hơn cũng sẽ hạn chế sự xuất hiện của các đột biến nguy hiểm.

Tuy nhiên, những thách thức thực tế là điều này khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Trở ngại lớn nhất đối với việc sử dụng vắc xin tràn lan mà không có sự tồn tại của các bằng sáng chế sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu và năng lực sản xuất.

Các công ty dược phẩm như AstraZeneca đã lùng sục khắp thế giới để thu xếp quan hệ đối tác với các công ty như Viện Huyết thanh của Ấn Độ và Siam Bioscience ở Thái Lan.

Các vắc xin phức tạp như Pfizer và Moderna đòi hỏi phải được bảo quản lạnh tốn kém, khiến các nhà sản xuất không có chuyên môn khó nhân rộng.

Tuy nhiên, động thái này đã làm chao đảo cổ phiếu của các công ty dược phẩm, với cổ phiếu của Moderna và Novavax có thời điểm giảm tới 13% vào thứ Tư (5/5).

Nhưng mối quan tâm lớn hơn là trong những đợt đại dịch tiếp theo, các công ty dược này sẽ ít quan tâm đến việc phát triển các loại thuốc mới và tính giá cao hơn ban đầu để bù đắp chi phí của họ. Đó sẽ là một tác dụng phụ không mong muốn đối với việc phát triển các loại thuốc mới trong tương lai.

Tiến sĩ Michelle McMurry-Heath, giám đốc điều hành của Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học (BIO) cho rằng, quyết định này sẽ làm suy yếu các động lực phát triển vắc xin và phương pháp điều trị đối với các đại dịch trong tương lai.

Tin bài liên quan