Tổng thống Mỹ làm MC khi đối thoại với start-up Việt

Đáp lại sự mong chờ, trong một giờ giao lưu, Tổng thống  Obama đã hoàn toàn chinh phục hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp trẻ có mặt tại không gian khởi nghiệp Dreamplex khi chia sẻ về các vấn đề khởi nghiệp, giáo dục, TPP, kể cả một số chuyện riêng tư.

17h20 chiều, Tổng thống Obama bước vào khán phòng trong những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của các doanh nghiệp trẻ.

Trước hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp tại tầng 14 của Dreamplex, tòa nhà Miss Áo Dài, Tổng thống cho biết rất ấn tượng về sức mạnh tăng trưởng và tinh thần doanh nhân ở TP HCM.

 "Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trẻ mà tôi gặp gỡ muốn đóng góp cho cộng đồng chứ không chỉ kiếm tiền. Khởi nghiệp cũng là nhiên liệu cho sự thịnh vượng, nhưng nó cũng gian nan, đặc biệt đối với phụ nữ. Và những trung tâm khởi nghiệp như Dreamplex sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp ra đời hơn nữa", ông Obama nói và cho biết thế giới đang để mắt đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp toàn cầu, ông sẽ chào đón 8 lãnh đạo doanh nghiệp từ Việt Nam đến Thung lũng Silicon Valley.

tong-thong-my-lam-mc-khi-doi-thoai-voi-start-up-viet
Tổng thống Obama phát biểu trước các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Hữu Đức

"Tôi ở đây bởi vì Mỹ cam kết cùng các bạn phát triển. Chúng tôi dự kiến khánh thành trung tâm xúc tiến các doanh nhân nữ mang tên 'WeCreate'. Đó là lý do vì sao chúng ta cần thông qua TPP", Tổng thống chia sẻ và cho biết thêm Mỹ xem Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng. Nhằm khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, Chính phủ Mỹ có quỹ dành cho những ý tưởng khởi nghiệp 10 triệu USD sẵn sàng hỗ trợ những người trẻ.

Ngay sau bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Obama tiếp tục gây ấn tượng khi trở thành vị MC hóm hỉnh và sâu sắc trong cuộc trò chuyện với 3 doanh nhân trẻ Việt Nam, những người có điểm chung là từng sinh sống, học tập tại Mỹ, song đều trở về lập nghiệp hoặc làm việc tại Việt Nam. Đó là: Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc phát triển kinh doanh và đối ngoại tại Seedcom; Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quản lý tại Adayroi.com và Phạm Khoa, Giám đốc Pháp lý và Hoạt động doanh nghiệp, Microsoft.

Sau khi đề nghị mọi người giới thiệu câu chuyện của riêng mình, ông Obama đề nghị mỗi người cho biết quan điểm về những trở ngại khi lập nghiệp và mong muốn Chính phủ Việt Nam, Mỹ hay các nhà đầu tư hỗ trợ.

Đang điều hành Adayroi.com, doanh nghiệp thương mại điện tử đang phát triển nhanh tại Việt Nam, nơi được ông Obama ví von là Amazon hay Ebay của Việt Nam, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng tầm nhìn của doanh nghiệp là mang lại sự thuận tiện cho khách hàng.

Chia sẻ mối quan tâm trước đó của ông Obama đối với vấn để giao thông tại các đô thị lớn Việt Nam, bà Vy kể câu chuyện về những khách hàng nữ, là nhân viên văn phòng tại Hà Nội hay TP HCM sau giờ làm lại phải lao vào dòng người tới chợ, mua sắm cho bữa cơm gia đình. Cô cho rằng việc mua sắm trực tuyến có thể hỗ trợ, giúp họ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình: “Với dịch vụ của mình, chúng tôi muốn giúp phụ nữ cứ 20 năm thì tiết kiệm được một năm”.

Tuy nhiên, nữ doanh nhân này cũng cho rằng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng là vấn đề khi nó ảnh hưởng đến cam kết của doanh nghiệp với khách về thời gian giao hàng. Do đó, cô mong muốn nhà chức trách tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

tong-thong-my-lam-mc-khi-doi-thoai-voi-start-up-viet-1
Ông Obama trực tiếp trao đổi với 3 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tiêu biểu.

Trả lời câu hỏi của ông Obama về vấn đề vốn, bà Vy cũng thừa nhận đây là một trong những khó khăn lớn nhất của các start-up Việt Nam, khi hầu hết doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư đều chỉ muốn bỏ tiền vào những dự án có kết quả hoặc người làm có kinh nghiệm. “Như vậy, những gì chúng ta đang làm ở đây là đang quảng cáo cho các start-up rồi đó. Dưới kia có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm”, ông Obama hóm hỉnh đáp.

Chia sẻ thêm về việc hỗ trợ các start-up, 2 vị khách mời còn lại đồng tình với yêu cầu phải cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng. Đỗ Thị Thúy Hằng cho rằng điều quan trọng với các start-up là cần áp dụng nhiều công nghệ mới trong những ý tưởng của mình, tiếp đó cần tìm được nhà đầu tư để đưa sản phẩm đến càng nhiều người càng tốt. Trong khi đó, ông Phạm Khoa lại dành nhiều sự quan tâm đến việc phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng thúc đẩy sự phát triển của các start-up là một ý tưởng tuyệt vời và trong quá trình này, con người là yếu tố then chốt. “Điều quan trọng là phải giúp các bạn trẻ có động lực để phát triển những ý tưởng của mình”.

Chia sẻ rằng khi mình còn đi học chưa hề có máy tính cá nhân, ông Obama khéo léo dẫn dắt câu chuyện sang một chủ đề khác là giáo dục. Nói về điều này, Lê Hoàng Uyên Vy cho biết luôn cảm thấy may mắn khi được đến Mỹ từ năm 17 tuổi. Đây là nơi đã cho cô cơ hội được học hỏi nhiều từ các doanh nghiệp trẻ cũng như học được cách dám biến mơ ước thành sự thật. Cô cũng bày tỏ mong muốn Mỹ và Việt Nam có thể có những chương trình đưa các doanh nhân khởi nghiệp tới học tập kinh nghiệm của nhau.

Cũng chia sẻ mình từng cảm thấy rất may mắn khi được học tập tại Mỹ, song bà Hằng cũng bày tỏ sự thán phục khi gặp những nhân viên trong công ty hiện nay, những người học tập hoàn toàn trong nước nhưng vô cùng thông minh và sáng tạo. “Họ học từ việc làm, từ những người có kinh nghiệm và từ Internet. Công nghệ đã thực sự thay đổi giáo dục ngày nay”, Hằng bày tỏ. Quan điểm này cũng được Tổng thống Obama ủng hộ khi ông thừa nhận công nghệ giáo dục trực tuyến đang mang tới nhiều sản phẩm giá rẻ, song chất lượng luôn được đánh giá cao.

Chủ đề thứ 3 được nhắc đến tại cuộc trao đổi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông Obama nhận được câu hỏi của đại diện Microsoft Việt Nam – Phạm Khoa về những trở ngại mà nước Mỹ đang gặp phải khi thông qua TPP, trước sự phản đối của nhiều chính trị gia.

Đáp lại, ông Obama một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP với sự hiện diện của 12 quốc gia có vai trò lớn trong nền kinh tế thế giới. Theo Tổng thống Mỹ, hiệp định này sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các quốc gia. “Sở hữu trí tuệ là một ví dụ. Với TPP, các bạn Vy hay Hằng ở đây sẽ không còn phải lo ngại ai đó sẽ lấy cắp ý tưởng của các bạn trên Internet”, ông dẫn chứng.

Trở lại với thực tế tại Mỹ, ông Obama thừa nhận đây không phải lần đầu nước này gặp khó khăn trong việc thông qua các hiệp định thương mại tự do. “Ví dụ như khi Trung Quốc gia nhập WTO, họ nhận được nhiều lợi ích, trong đó có làn sóng đầu tư. Nhiều nhà máy ở Bắc Mỹ phải đóng cửa. Nhiều ý kiến cho rằng điều đó có hại cho nước Mỹ. Song xét cho cùng ở khía cạnh tổng thể, những lợi ích sẽ dần trở lại khi kinh tế toàn cầu đi lên”, ông Obama nói.

Với TPP, Tổng thống Mỹ tự tin cho rằng hiệp định sẽ được thông qua. “Như hiệp định với Hàn Quốc chẳng hạn. Người tiền nhiệm nói với tôi là rất khó thông qua. Song chúng tôi đã cùng với phía Hàn Quốc ngồi lại, làm việc cùng nhau và kết quả là mọi chuyện đều ổn”, ông Obama nói.

“Tôi nghĩ toàn cầu hóa là một việc tốt. Điều quan trọng là hãy để toàn cầu hóa phục vụ chúng ta”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tại buổi trò chuyện, ông Obama cũng nhận được những câu hỏi khá riêng tư của 2 diễn giả nữ. Lê Hoàng Uyên Vy hỏi ông có từng ước mơ làm Tổng thống khi còn nhỏ không? Ông Obama cho biết không như nhiều người có kế hoạch cho mình từ rất sớm, ông chưa hề nghĩ đến việc tham gia chính trị. “Tôi còn từng rất ghét chính trị gia vì cho rằng họ chỉ quan tâm đến mình, thay vì người khác”. Ông Obama nói và cho biết mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi ông học trung học và sau đó là vào trường luật: “Tôi muốn thay đổi nhiều việc trong cuộc sống. Vì thế tôi đã chọn con đường này”.

Chia sẻ thêm với những doanh nhân trẻ, ông Obama cho rằng việc làm lãnh đạo là rất thách thức, và khuyên họ cần phải không ngừng học hỏi từ những thất bại, cũng nhiều như học từ thành công. “Làm doanh nhân có lẽ không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh. Các bạn hãy nghĩ tới việc giải quyết những vấn đề của xã hội nữa”, ông nói.

Khi được hỏi về việc sẽ khuyên con gái thế nào nếu cô có ý định sang Việt  Nam, ông Obama hóm hỉnh đáp: “Con gái lớn của tôi sẽ tròn 18 tuổi vào tuần sau. Bây giờ nó chẳng bao giờ nghe lời tôi cả. Vì thế có cần khuyên gì thì nhờ bạn hãy khuyên nó, chứ không phải tôi”.

Tuy vậy, người đứng đầu nước Mỹ cũng nêu quan điểm chúng ta đang sống trong một thế giới được kết nối toàn cầu. Do đó, bất cứ ai cũng cần có tư duy toàn cầu. Việc thấu hiểu lẫn nhau, thấu hiểu các nền văn hóa, các thị trường… theo đó càng trở nên quan trọng.

Tin bài liên quan