Tốc độ tăng giá tiêu dùng đang có xu hướng cao lên, cao hơn cùng kỳ năm trước, cao hơn mức lãi suất huy động và có nguy cơ cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng giá tiêu dùng đang có xu hướng cao lên, cao hơn cùng kỳ năm trước, cao hơn mức lãi suất huy động và có nguy cơ cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tổng quan kinh tế 7 tháng

Nét nổi bật tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm là giá trị sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, tiêu thụ trong nước tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng cao lên, tỷ lệ nhập siêu lên đến 77,7%.

Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tháng 7 tăng cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng, nên tính chung 7 tháng tăng 17%.

 

Khu vực doanh nghiệp nhà nước 7 tháng tăng 9,7%. Trong đó, quốc doanh Trung ương tăng 12,2%, quốc doanh địa phương tăng 4,4%. Khu vực ngoài nhà nước 7 tháng tăng 20,4%. Khu vực vốn FDI tăng 18,9%.

 

Xu hướng trên cũng đạt được đối với công nghiệp trên một số địa bàn và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

 

Vốn đầu tư nước ngoài gia tăng ở cả ba nguồn ( FDI, ODA và đầu tư gián tiếp FII). Vốn FDI đăng ký mới đạt trên 2 tỷ USD, đưa tổng số vốn đăng ký mới 7 tháng lên 6,37 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Số vốn của các dự án cũ đăng ký bổ sung tháng 7 đạt 85 triệu USD, đưa tổng số 7 tháng lên trên 1,1 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ.

 

Tính chung cả vốn đăng ký mới và bổ sung 7 tháng đạt 7,473 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn thực hiện ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

 

Đây là tín hiệu khả quan để cả năm vượt mục tiêu thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký và 4,5 tỷ USD thực hiện, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.

 

Tiêu thụ trong nước tiếp tục gia tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 7 tháng đã đạt 394,5 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng với tốc độ khá cao, trong đó nhu cầu du lịch tăng tới 44,7%, các dịch vụ khác tăng 35,7%, cao hơn tốc độ tăng chung (23,1%).

 

Xuất khẩu 7 tháng đạt 26790 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2006. Tăng trưởng của xuất khẩu đạt được ở cả hai khu vực: Khu vực kinh tế trong nước tăng 24,7%, khu vực FDI nếu không kể dầu thô (bị giảm 11,3%) thì các hàng hóa khác của khu vực này tăng 32,8%.

 

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng kinh tế 7 tháng vẫn đứng trước những thách thức.

 

Tốc độ tăng giá tiêu dùng đang có xu hướng cao lên, cao hơn cùng kỳ năm trước, cao hơn mức lãi suất huy động và có nguy cơ cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Nhập siêu 7 tháng đã lên đến 5.453 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu lên đến 20,4% và cao gần gấp đôi tỷ lệ 10,9% của cùng kỳ.

 

Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, chẳng những cản trở sự tăng trưởng mà còn phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức để khắc phục.

 

Đây là những cảnh báo đáng lưu ý tới các nhà hoạch định chính sách kinh tế.