Giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, tiêu thụ chậm... khiến doanh nghiệp xi măng có 1 năm kinh doanh đầy chật vật.
Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ xi măng năm 2021 gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) bùng phát mạnh trong quý III/2021 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó các doanh nghiệp đều không nằm ngoài vùng ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), kết thúc năm 2021, sản lượng sản xuất clinker đạt 21,47 triệu tấn, đạt 98% kế hoạch năm 2021 và giảm 1,1% so với năm 2020. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,1 triệu tấn, giảm nhẹ 2,1% so với năm 2020.
Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 29,44 triệu tấn, tương đương mức thực hiện của năm 2020, trong đó: Tiêu thụ xi măng (bao gồm xuất khẩu) đạt 24,16 triệu tấn, tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 5,28 triệu tấn, đạt 122,9% kế hoạch năm 2021 và tăng 10,6% so với năm 2020.
Tổng doanh thu ước đạt 33.806 tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 2.050 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với năm 2020. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 2.135 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch năm 2021.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho hay, thị trường xi măng trong nước năm qua tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu, tiêu thụ nội địa khoảng 4,3 - 6% so với năm 2020, giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với năm 2020 (than nhập khẩu có thời điểm tăng khoảng 300%: giá than bình quân tháng 10/2021 là 240 - 250 USD/tấn, trong khi đó tháng 10/2020 chỉ 75 - 80 USD/tấn; thạch cao tăng khoảng 40%...)...đã tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chưa kể, một số đơn vị sản xuất xi măng của Vicem phải dừng lò nung dài ngày (Nhà máy Kiên Lương 1) hoặc phải vận hành giảm năng suất để giảm thiểu việc đưa clinker ra bãi. Một số thị trường/địa bàn tiêu thụ chính của VICEM như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh phía Nam không tiêu thụ được sản phẩm; tình trạng phong tỏa tại nhiều cảng biển làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu phương tiện vận chuyển, cước tàu biển tăng cao đã làm cho hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker có thời điểm bị ngưng trệ…
"Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của Vicem được xây dựng từ quý IV/2020 với lạc quan tình hình dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát. Song trên thực tế, dịch Covid - 19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021 và diễn biến rất phức tạp trong quý III/2021, hầu hết các địa phương có nhà máy sản xuất xi măng đã phải thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước và hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng giảm", ông Khánh nêu.
Trước những dự báo về thị trường, cung – cầu trong nước và đại dịch vẫn chưa được khống chế, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao (dự kiến nguồn cung xi măng năm 2022 đạt 107 triệu tấn), trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 - 64 triệu tấn, dẫn đến cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước, sự mất cân đối “cung - cầu” cục bộ giữa các vùng miền trong nước làm phát sinh chi phí logistics..., nên kinh doanh xi măng sẽ chưa dễ thở.
Vicem đặt mục tiêu sản xuất clinker khoảng 22 triệu tấn, tăng khoảng 2,6% so với thực hiện năm 2021, vượt khoảng 16% so với công suất thiết kế. Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng trên 30 triệu tấn, tăng trên 3% so với thực hiện năm 2021. Tổng doanh thu khoảng trên 37.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2021.
Để cán đích mục tiêu năm 2022, Vicem đã chỉ đạo đơn vị thành viên tăng cường theo dõi, giám sát, vận hành và duy trì thiết bị hoạt động ổn định, dài ngày, an toàn và đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm các tiêu hao, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn các dây chuyền, thiết bị triệt để, ưu tiên sử dụng vật tư, phụ tùng trong nước sản xuất nhằm tiết giảm chi phí.
Đảm bảo nguồn cung than cho các dây chuyền hoạt động liên tục và tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu thay thế khác tại những đơn vị có tiềm năng và lợi thế.
Nâng cao năng lực sản xuất thông qua các Chương trình tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cải tiến thiết bị, tập trung đầu tư chiều sâu trong sản xuất clinker xi măng để nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Về tiêu thụ, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại thị trường tiêu thụ, hoàn thiện hệ thống phân phối tại các địa bàn nhằm phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động Logistics, lợi thế về thương hiệu, từ đó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và tăng thị phần của Vicem, đẩy mạnh tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo phương án đã được phê duyệt, trong đó chú trọng giải pháp đảm bảo nguồn cung và tối ưu hóa Logistics.
Hoàn thiện chiến lược kinh doanh xi măng rời có lộ trình phù hợp với xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời.