Ông Lê Công

Ông Lê Công

Tổng giám đốc MB: “Đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận bằng sự nỗ lực”

(ĐTCK) Thông tin đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và thành viên thị trường là việc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012, giữ vị trí quán quân trong khối các ngân hàng TMCP.

Trong bối cảnh năm 2012 là năm nền kinh tế và ngành ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chia sẻ cùng ĐTCK, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công cho biết, MB đã vượt khó thành công bằng chính sự nỗ lực không ngừng từ nội bộ  và mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với khách hàng, giúp khách hàng vượt qua khó khăn và bền vững về tài chính.

Thông tin MB đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012 thực sự kiến nhiều người bất ngờ, bởi hầu hết các ngân hàng cùng nhóm với MB chật vật lắm, nhưng vẫn bị suy giảm lợi nhuận rất nặng. Xin ông chia sẻ những yếu tố giúp MB đạt được kết quả này?

Như chúng ta đã biết, năm 2012, trước tác động của suy thoái toàn cầu, nền kinh tế vĩ mô trong nước gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, lĩnh vực tài chính – ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Tổng kết 1 năm qua cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành Ngân hàng suy giảm mạnh, khi chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 8,9% - mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng tăng cao, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 8,6%, còn ước tính của IMF có thể lên đến 12%.

Tại MB , dự báo trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế cũng như của ngành ngân hàng, nên ngay từ đầu năm 2012, chúng tôi đã chọn phương án kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng hợp lý, phát triển bền vững. Từ mục tiêu này, chúng tôi chọn lựa các giải pháp phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế và định hướng của HĐQT Ngân hàng, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ khách hàng, tập trung ưu tiên vốn phục vụ sản xuất và bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ xác định rõ mục tiêu và có các giải pháp phù hợp, năm 2012, MB vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và được thị trường đánh giá tốt. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn của MB là 32%; tăng trưởng tín dụng bao gồm cả chi nhánh nước ngoài của MB trong năm 2012 là 27%; nợ xấu được kiểm soát ở dưới 2% và lợi nhuận trước thuế của MB đạt 3.024 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong kết quả năm 2012 là cơ cấu tỷ trọng lợi nhuận của MB có sự thay đổi hợp lý, đưa lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ có xu hướng tăng lên.

 

Với 3.024 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012, MB ghi tên mình ở vị trí cao nhất về lợi nhuận trong khối các ngân hàng TMCP. Ngoài dự báo được diễn biến thị trường, đề ra mục tiêu phù hợp, chắc MB phải có giải pháp gì khác biệt mới có thể đạt kết quả trên, thưa ông?

Như đã chia sẻ, trước hết, chúng tôi bám sát định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, định hướng hoạt động ngành của Ngân hàng Nhà nước, triển khai rà soát, giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm để hỗ trợ các khách hàng tốt; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng phát triển tài chính bền vững, trong đó bao gồm cả các giải pháp về ưu đãi lãi suất. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2012, MB đã triển khai nhiều gói ưu đãi lãi suất cho các nhóm khách hàng, như gói 2.000 tỷ đồng cho khối DN xuất nhập khẩu; gói 6.000 tỷ đồng cho khu vực DN nông nghiệp và phát triển nông thôn; gói 2.000 tỷ đồng cho các DN vừa và nhỏ; hay chương trình hỗ trợ vốn giá rẻ cho kinh doanh vật tư nông sản ở 5 tỉnh ĐBSCL... Với chính sách hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất cho vay của MB, các khách hàng của MB đã vượt qua được khó khăn của năm 2012 để tiếp tục phát triển. Nhờ đó, MB duy trì được quan hệ bền vững với khách hàng cũ và tăng trưởng có chọn lọc với khách hàng mới, đảm bảo duy trì và mở rộng tăng trưởng tín dụng. Đây là một trong những cơ sở để  MB hoàn thành kế hoạch trong năm 2012 đầy khó khăn này.

Ngoài việc giữ vững hoạt động tín dụng, năm 2012 cũng là năm MB đẩy mạnh các mảng hoạt động dịch vụ, các hoạt động có hàm lượng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trọn gói, giúp khách hàng giảm chi phí và thời gian … nên tổng thu thuần từ dịch vụ của MB trong năm này có mức tăng trưởng tới 19% so với năm 2011. Bên cạnh đó, năm 2012 cũng là năm MB tiết giảm chi phí vận hành một cách mạnh mẽ, với mức giảm lên đến 14% so với kế hoạch, đồng thời tập trung thu hồi nợ xấu… Những yếu tố này đã góp phần làm nên con số lợi nhuân trên 3.000 tỷ đồng của Ngân hàng năm 2012.

 

Trong khi rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì MB duy trì được tỷ lệ nợ xấu dưới 2% trong năm 2012 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mức này trong năm 2013. Làm cách nào MB giữ được nợ xấu ở mức thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung toàn ngành, thưa ông?

MB là ngân hàng có chất lượng quản trị kinh doanh tương đối tốt, hoạt động tín dụng được thẩm định rất chặt chẽ, duy trì được mối quan hệ với các khách hàng lâu năm, khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, MB duy trì chính sách mở rộng tín dụng thận trọng, phát triển hệ thống dịch vụ cung ứng cho khách hàng theo chuỗi, phát triển khách hàng mới có chọn lọc. Cách làm này vừa hỗ trợ khách hàng ổn định nguồn tài chính phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các đối tác thắt chặt quan hệ với bạn hàng, vừa giúp MB đảm bảo an toàn trong các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có việc duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp dù mức tăng trưởng tín dụng là cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Tổng giám đốc MB: “Đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận bằng sự nỗ lực” ảnh 1

Thế mạnh của MB là xây dựng được hệ thống khách hàng trung thành

Ngân hàng đổi mới hệ thống thẩm định tín dụng, xác lập quy chế với quy trình hợp lý vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng, vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhanh nhất. Cán bộ nghiệp vụ đã theo sát nhu cầu của khách hàng, hiểu sâu năng lực khách hàng và tài trợ hợp lý.

 

Ông nhận định như thế nào về cơ hội và khó khăn của nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng năm 2013? Tại MB , kế hoạch 2013 được định hướng như thế nào, thưa ông?

Năm 2013, những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động đến Việt Nam một lần nữa, bởi Việt Nam đã hội nhập khá sâu với độ mở lớn. Theo chúng tôi, một trong những thách thức lớn nhất của 2013 là tình trạng tổng cầu có thể tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng chung đến sự tăng trưởng của nhiều ngành, trong đó có ngành ngân hàng. Mặt khác, lạm phát cũng có nguy cơ quay trở lại. Tuy nhiên, điểm tích cực của năm 2013 là Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, giữ vững sự phát triển ổn định và bền vững. Trong ngành ngân hàng, thông điệp của Thống đốc NHNN năm 2013 là sẽ nâng tăng trưởng tín dụng toàn ngành lên 12%, so với mức khoảng 9% như năm 2012, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch. Bối cảnh kinh tế vĩ mô đang tạo cơ hội mới cho các DN và ngành ngân hàng nói riêng. Tại MB, dựa trên những kết quả mà Ngân hàng đã đạt được, cùng nhận định về cả cơ hội và thách thức năm 2013, chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng huy động ở mức 18%; tăng trưởng dư nợ ở 17%; tiếp tục kiềm chế nợ xấu dưới 2% và kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 12% so với năm 2012. Kế hoạch này sẽ được HĐQT xem xét trình các cổ đông trong kỳ họp tới.

 

Năm 2013, MB đặt kế hoạch như thế nào về công tác huy động vốn, thưa ông?

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, MB đang tiến hành tăng vốn lên 10.625 tỷ đồng. Xong quá trình này, năm 2013 chúng tôi dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 15.000 tỷ đồng để gia tăng tiềm lực tài chính cho Ngân hàng, hướng đến việc thực hiện mục tiêu chiến lược mà Hội đồng Quản trị đề ra là đến năm 2015 sẽ trở thành ngân hàng thuận tiện, nằm trong TOP 3 ngân hàng TMCP lớn nhất tại Việt Nam.

 

Vượt qua một năm 2012 nhiều khó khăn, MB dự kiến chính sách trả cổ tức cho cổ đông năm này như thế nào, thưa ông?

Trước hết, xin được khẳng định lại, lợi nhuận của Ngân hàng là của các cổ đông. Cùng với lợi nhuận lớn mà MB đạt được năm 2012, MB cũng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định, hiện Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng gấp 1,2 lần so với nợ xấu.  

Về cổ tức, năm 2012, chúng tôi dự kiến xin ý kiến cổ đông mức trả cổ tức 12% bằng tiền mặt, tương đương lãi suất vay vốn ngắn hạn hiện nay. Tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, chúng tôi đã đề ra kế hoạch cổ tức tối đa năm 2012 là 15%, hiện tại, Quỹ lợi nhuận của MB cũng đáp ứng cam kết chia cổ tức ở mức này. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn cổ đông hiểu và chia sẻ rằng năm 2013, nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, MB cần thêm sự chuẩn bị từ nội lực để vượt khó và tiếp tục tích lũy phát triển, cùng hướng đến mục tiêu chiến lược vào năm 2015. Tôi tin rằng, các cổ đông MB sẽ chia sẻ và ủng hộ phương án này để cùng MB vững bước trong mọi hoàn cảnh.