Tổng giám đốc FIT, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt
F.I.T dường như đã lột xác hoàn toàn so với 2 năm trước, thời điểm mới niêm yết. Thời điểm đó, bà có hình dung được F.I.T sẽ phát triển như ngày hôm nay không?
Ở F.I.T, việc không hoàn thành mục tiêu cũng là rủi ro, mà vượt quá xa kỳ vọng cũng đồng thời là rủi ro và chúng tôi luôn hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Thế nên, thành công lúc này có thể được nhiều người đánh giá là ngoài mong đợi, nhưng đã được chuẩn bị từ trước.
Trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết, Ban lãnh đạo F.I.T đã xây dựng chiến lược phát triển của Công ty trong 10 - 20 năm sau. Theo đó, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng F.I.T thành một tập đoàn đầu tư hùng mạnh, gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua chuỗi sản phẩm tư vấn đầu tư đa dạng, danh mục đầu tư chất lượng, nhân viên chuyên nghiệp.
Chúng tôi đã xác định ngay từ đầu mục tiêu đầu tư và các lĩnh vực, ngành hàng cơ bản và tiềm năng như: nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… với quy mô doanh thu lên tới cả tỷ USD trong tương lai. Hiện giờ, F.I.T mới đang trong giai đoạn đầu của chiến lược đó thôi.
Thay đổi quy mô hoạt động, lại đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, sức ép lớn nhất của bà là gì?
Dù F.I.T ở quy mô hoạt động như thế nào thì tôi cũng như các thành viên Ban lãnh đạo khác cũng phải đưa ra được câu trả lời cho 3 câu hỏi: Một là làm cách nào để bảo toàn vốn tốt nhất cho cổ đông? Hai là làm cách nào để sinh lời cao nhất và bền vững nhất? Và câu hỏi cuối cùng là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thực hiện chia sẻ với xã hội?
Vài năm trở lại đây, F.I.T xác định đẩy mạnh tăng trưởng và đầu tư vào các doanh nghiệp ngành hàng mục tiêu thông qua M&A. Như bạn biết, với chủ trương thoái vốn của Chính phủ, đây là cơ hội tốt để F.I.T mua lại các doanh nghiệp có lợi thế. Chúng tôi có nhân sự chất lượng cao, am hiểu lĩnh vực tài chính, đầu tư và định hướng đầu tư giá trị theo chiến lược đầu tư của Warren Buffett, nên một trong những điều làm tôi đau đầu nhất là làm sao chọn được phương án tốt nhất.
Dù đã đưa ra một số quy tắc cụ thể trong lựa chọn doanh nghiệp đầu tư như: phải đáp ứng yêu cầu hoạt động trong đúng lĩnh vực ngành nghề mà F.I.T định hướng đầu tư, phải có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các DN khác trong ngành, có xu hướng phát triển tốt và đặc biệt là phải có giá mua phù hợp với mức định giá mà F.I.T xác định…, nhưng đôi khi chúng tôi cũng đau đầu với việc lựa chọn phương án đầu tư, nhất là khi có những phương án rất tiềm năng nhưng còn ẩn chứa rủi ro tiềm tàng gây tranh luận trong các thành viên Ban lãnh đạo. Có nhiều đêm tôi không thể ngủ vì những trăn trở ấy.
Ngoài ra là câu chuyện nhân sự, quan điểm của F.I.T là đào tạo và phát triển nhân sự từ nội bộ, nhưng với những lĩnh vực mới, đòi hỏi phải thu hút nhân sự chất lượng cao từ các nơi khác về, thì lúc đó, bài toán đau đầu nhất là làm sao đưa ra cơ chế thu nhập cạnh tranh để thu hút nhân tài, nhưng vẫn cân bằng trong hệ thống. Chưa kể mỗi ngành nghề khác nhau lại có cách tính lương, thưởng khác nhau. Chúng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ trong việc đưa ra chính sách lương linh hoạt cho toàn hệ thống, nhưng có lẽ chính vì điều này mà nhân sự ở F.I.T đều rất gắn bó.
Những lúc bất đồng quan điểm lãnh đạo, bà thường làm gì để dung hòa các bên?
Thực ra, tranh luận là để tìm hướng đi tốt nhất cho Công ty, nên việc giải quyết cũng khá dễ dàng. Nếu không ai đủ khả năng thuyết phục người còn lại, thì phải nghiên cứu và làm phương án chi tiết lại từ đầu. Trong quản trị đầu tư, chúng tôi hiểu là luôn có nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường, nhưng nguồn lực của Công ty thì có giới hạn và không được sai lầm.
Mỗi công ty con là một ngành nghề với đặc trưng riêng, vậy làm cách nào để bà quản lý và phát triển tốt toàn hệ thống?
Đúng là mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những đặc trưng khác nhau, đòi hỏi mình phải hiểu sâu sắc thì mới làm tốt được, nhưng với F.I.T, đó không phải là vấn đề. Chúng tôi cũng không phải siêu nhân gì đâu, mà đó là do cách làm thôi.
Thời gian nghiên cứu thực hiện M&A một DN tại F.I.T có thể lên tới 1 năm trước khi bắt tay vào việc mua bán. Một bước quan trọng mà F.I.T phải giải quyết được trong thời gian này là nghiên cứu thị trường, khả năng phát triển doanh nghiệp, bài toán nhân sự, tài chính như thế nào… Không giải quyết được yếu tố này, thì dù định giá doanh nghiệp có hấp dẫn mấy, chúng tôi cũng phải cân nhắc lại.
Một câu hỏi không liên quan lắm đến chuyện điều hành, nhưng xin bà chia sẻ cảm giác của mình khi F.I.T niêm yết cổ phiếu và việc biến động giá hàng ngày?
Những ngày trước khi niêm yết, tôi cũng hồi hộp và xúc động lắm. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào việc huy động vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình, cũng kỳ vọng thương hiệu F.I.T sẽ tốt hơn sau niêm yết để hỗ trợ ngược trở lại cho kinh doanh. Và đến thời điểm này, F.I.T đã bước đầu đạt được mục tiêu của mình và đó là niềm vui rất lớn của chúng tôi,
Còn về câu chuyện giá cổ phiếu, tôi luôn mong cổ phiếu FIT được nhà đầu tư nhìn nhận và đánh giá chính xác giá trị. Với nhiều năm tham gia thị trường, tôi hiểu rằng, mình phải kiểm soát cảm xúc, vì giá cổ phiếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mình cứ làm tốt, quản trị, công bố thông tin minh bạch, kiên định với mục tiêu của Công ty, rồi thị trường cũng sẽ đánh giá chính xác giá trị Công ty.