Theo số liệu cập nhật về tình hình hoạt động của doanh nghiệp được Tổng cục thống kê cập nhật tại Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến thời điểm 31/12/2018 cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.
Trong đó, có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5% và có tới 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.
Trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 0,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2%; khu vực doanh nghiệp FDI có 16.878 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2,7% số doanh nghiệp cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017.
Xét về quy mô, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại thời điểm 31/12/2018 có 382.444 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 62,6% số doanh nghiệp cả nước, tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm 2017.
Xét về lĩnh vực hoạt động, khu vực dịch vụ chiếm 68,7% số doanh nghiệp toàn quốc, tăng 7,3% so với cùng thời điểm năm 2017; khu vực công nghiệp và xây dựng có 184.531 doanh nghiệp, chiếm 30,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 6.844 doanh nghiệp, chiếm 1,1%.
Ước tính tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.
Phân theo khu vực kinh tế, doanh thu thuần khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng năm 2018 đạt 11,92 triệu tỷ đồng, chiếm 50,4% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt 11,58 triệu tỷ đồng, chiếm 49%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 134,5 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6%.
Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,41 triệu tỷ đồng, chiếm 14,4%. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 6,81 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 17,5%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, chiếm 56,7% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,3% so với năm 2017.
Liên quan các thông tin về hoạt động của khu vực hợp tác xã tại Sách trắng Hợp tác xã cùng được công bố, số liệu thống kê cho thấy, tổng số hợp tác xã hiện có tới thời điểm 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 22.861, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2017.
Tổng số hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do ngành thống kê điều tra, cập nhật tại thời điểm 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 13.958, tăng 5,5% so với thời điểm 31/12/2017. Tính đến thời điểm 31/12/2018, trên cả nước có tổng số 185.714 lao động đang làm việc trong các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.
Tại thời điểm 31/12/2018, tổng số thành viên trong các hợp tác xã có 5.998.378 thành viên. Tổng số nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của hợp tác xã này đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm 2017. Năm 2018, doanh thu thuần của toàn bộ khu vực hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của hợp tác xã ( 1,8%).
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 2.575 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng một lao động của các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2017.
Tổng số hợp tác xã thành lập mới năm 2018 trên phạm vi cả nước là 2.569, tăng 9,5% so với năm 2017. Theo địa phương có 28/63 địa phương có tốc độ tăng số hợp tác xã thành lập mới năm 2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân chung cả nước 9,5%, trong đó có 9 địa phương có tốc độ tăng trên 70% gồm Nghệ An tăng 232,1%; Phú Yên tăng 180%; Hưng Yên tăng 160%...
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, số liệu công bố tại 2 sách trắng này là của năm 2018. Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 là năm đầu tiên phát hành gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018. Tổng cục thống kê tiến hành thu thập số liệu từ năm 2018.
Sách trắng hợp tác xã Việt Nam gồm 5 phần: Bối cảnh của hợp tác xã, tổng quan phát triển của hợp tác xã năm 2018; Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Trong báo cáo này đề cập đến 2 nội dung chính là môi trường kinh doanh và tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018.
Nội dung sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.