Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) đã “bắt bệnh” của VTM và Thép Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với cổ đông nhà nước mới là SCIC, TVN đã “bắt bệnh” và quyết tâm bứt phá từ những nỗ lực tự thân.

Có tiềm năng để trở thành một sếu đầu đàn trong ngành công nghiệp thép nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, dậm chân tại chỗ nhiều năm qua. Nay cùng với cổ đông nhà nước mới là SCIC, TVN đã “bắt bệnh” và quyết tâm bứt phá từ những nỗ lực tự thân. Ông Lê Song Lai, Chủ tịch TVN trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán về vấn đề nay.

Ông Lê Song Lai, Chủ tịch TVN

Ông Lê Song Lai, Chủ tịch TVN

Thông tin VTM, doanh nghiệp thành viên duy nhất trong hệ thống TVN lỗ năm 2020 ước lãi trở lại 50 tỷ đồng trong quý I được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông có thể nói rõ hơn về chuyển động này?

Trước Tết Tân Sửu, TVN có trình SCIC phương án sau 2 năm sẽ chấm dứt hết lỗ tại VTM nhưng nay chúng tôi điều chỉnh phương án có lãi, chấm dứt lỗ ngay trong năm 2021. Quý I, VTM ước lãi 50 tỷ đồng dựa trên các hợp đồng đã ký, giờ chỉ trả hàng cho đối tác.

Điểm thuận lợi hiện nay là giá phôi tăng tốt, nhu cầu lớn. Chúng tôi xác định VTM phải tái cơ cấu để có lãi từ sản xuất phôi. Đầu ra không có vấn đề vì làm ra bao nhiêu ngay các công ty trong hệ thống TVN cũng tiêu thụ hết, quan trọng là hạ chi phí, giá thành để có lãi.

Luyện phôi nhưng VTM không có xưởng luyện cốc, nên phải mua trong nước hoặc nhập khẩu.

Trước đây, trong báo cáo tiền khả thi (FS) dự án đầu tư nhà máy VTM, có đặt ra phương án đổi quặng lấy than cốc nhưng ngay khi chưa đi vào hoạt động, Chính phủ đã có nghị định quy định cấm xuất khẩu quặng sắt, do đó Công ty bị động hoàn toàn, không chuẩn bị nguồn vốn để ứng phó với tình hình này.

Các năm 2018, 2019, VTM được xuất khẩu quặng theo quyết định riêng biệt của Bộ Công Thương nên có lãi, năm 2020 Công ty lỗ do không được xuất khẩu quặng.

Nay, VTM sẽ nỗ lực để có lãi trở lại theo 2 giải pháp. Thứ nhất là rà soát các hạng mục chi phí để giảm định mức tiêu hao nguyên liệu. Trước sản xuất 1 tấn phôi mất khoảng 500 kg cốc, nay xuống 470 kg và chúng tôi đang nỗ lực để giảm tiếp. Bên cạnh đó là rà soát lao động để tối ưu hóa, tăng năng suất, giảm bớt lao động dôi dư…

Thứ hai là tự chủ về cốc, chúng tôi đang xem xét để đầu tư dây chuyền luyện cốc. Với công suất 300.000 tấn thì suất đầu tư không lớn, chỉ vào khoảng 300 - 400 tỷ đồng mà thu hồi vốn rất nhanh. Hiện chi phí sản xuất cốc của Thép Thái Nguyên chỉ 5,1 - 5,2 triệu đồng/tấn trong khi giá nhập khẩu là trên 10 triệu đồng/tấn.

Trong quá trình luyện cốc còn cho dầu, khí nóng từ than mỡ, là những nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất khác nên hiệu quả kinh tế rất cao.

Trong khi đó, chi phí nhập than mỡ hoặc mua trong nước là ngang nhau.

Đầu tư với các doanh nghiệp nhà nước dường như không hề dễ dàng, thưa ông?

Khi đã bắt đúng bệnh là dùng bài toán cốc để đưa VTM lên, chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu dòng tiền, vốn đầu tư của VTM, các ngân hàng rất ủng hộ, tỉnh Lào Cai cũng ủng hộ, trên thực tế VTM đóng góp tới 14% ngân sách tỉnh Lào Cai.

Dù vậy, sau vụ việc giai đoạn 2 của Thép Thái Nguyên, VTM, mọi người có tâm lý thận trọng. Bởi thế chúng tôi xác định khi đầu tư phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, làm nhanh, để kéo dài, nếu có trượt giá sẽ xoay xở không kịp. Khi đã xác định đầu tư, chúng ta phải quyết liệt, dứt điểm.

Hy vọng bài toán với VTM sẽ sớm được giải vì đúng là nếu không có đầu tư mới, các doanh nghiệp khó có thể bứt phá mạnh lên. Còn với Thép Thái Nguyên, giải pháp để gia tăng hiệu quả là gì?

Với Thép Thái Nguyên, đặc biệt là dự án giai đoạn 2, chúng tôi đã rà soát theo 2 hướng: Với những gì đã thực hiện của dự án này có khả năng tiếp tục triển khai không để ra được thép. Hoặc chọn 1 số hạng mục để bóc tách, đầu tư thêm, chẳng hạn như dự án có dây chuyền luyện cốc 300.000 tấn. Việc này đang được TVN lấy ý kiến về mặt pháp lý để làm chặt chẽ.

Rất nhiều việc đang được triển khai, một phần việc quan trọng khác liên quan đến tái cơ cấu TVN là quyết toán cổ phần hóa tổng công ty. Khả năng thực hiện được trong nửa đầu năm 2021 đến đâu, thưa ông?

Về quyết toán cổ phần hóa doanh nghiệp, theo Nghị định 140/2020, các doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất trước 31/6/2021, với kinh nghiệm và nỗ lực của các bên, nhất là Bộ Công Thương, chúng tôi tin là sẽ thực hiện được.

Hoàn tất quyết toán vốn cổ phần hóa sẽ mở đường cho việc thoái vốn tại các công ty con của TVN để dùng vốn tái đầu tư và tiến tới thoái vốn tại công ty mẹ TVN.

Tin bài liên quan