Tổng công ty Sông Đà cố tình không hiểu luật?

Tổng công ty Sông Đà cố tình không hiểu luật?

(ĐTCK) “Cuộc chiến” tại NLC được khơi mào khi đại diện Tổng công ty Sông Đà tham gia ĐHCĐ NLC bất ngờ đề nghị sửa đổi Quy chế làm việc của ĐHCĐ.

 

Bài 1: Phạm luật để "trả đũa" cổ đông nhỏ?

Bài 2: Lãnh đạo Công ty Thủy điện Nà Lơi nói gì?

 

Luật không hợp lý

Như Đầu tư Chứng khoán đã đề cập trong các số báo ra ngày 3/7 và 5/7, “cuộc chiến” giữa nhóm ủng hộ và phản đối phương án sáp nhập CTCP Thủy điện Nà Lơi (NLC) vào CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJC) được khơi mào khi ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện Tổng công ty (TCT) Sông Đà tham gia ĐHCĐ NLC bất ngờ đề nghị Đại hội sửa đổi Quy chế làm việc của ĐHCĐ theo hướng: chuyển từ quy định TCT Sông Đà không được tham gia bỏ phiếu đối với các nội dung liên quan đến sáp nhập giữa NLC và SJD thành có quyền tham gia biểu quyết. Vì nắm cổ phần chi phối 51% nên đương nhiên đề xuất của TCT Sông Đà được thông qua. Đây là nhân tố dẫn tới phương án sáp nhập NLC vào SJC được thông qua gây tranh cãi, bởi cổ đông nhỏ cho rằng, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1 là gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.

Lý giải về đề xuất sửa đổi Quy chế làm việc của ĐHCĐ NLC, ông Phúc cho rằng, các cổ đông tham dự ĐHCĐ có quyền biểu quyết thông qua phương án sáp nhập NLC vào SJD. Quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông tham dự ĐHCĐ chấp thuận sau khi loại trừ các cổ đông có quyền lợi liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật…

Qua tham khảo kinh nghiệm thực tế, khi gặp tình huống tương tự như trường hợp biểu quyết thông qua phương án sáp nhập NLC vào SJD, có tập đoàn, tổng công ty tham gia biểu quyết, nhưng ngược lại có trường hợp không tham gia biểu quyết. Cách hành xử trái ngược này do Luật Doanh nghiệp (Luật DN) quy định không rõ ràng thế nào là bên liên quan, cũng không quy định cụ thể công ty mẹ có quyền bỏ phiếu biểu quyết thông qua phương án sáp nhập hai công ty con tại ĐHCĐ hay không?

Đại diện TCT Sông Đà còn cho rằng, nếu hiểu Luật DN theo hướng TCT Sông Đà không được tham gia biểu quyết phương án sáp nhập NLC vào SJD thì không hợp lý. Giả sử Tổng công ty nắm tới 99% cổ phần thì vẫn phải phụ thuộc vào các cổ đông sở hữu 1% cổ phần còn lại hay sao?

Tổng công ty Sông Đà cố tình không hiểu luật?  ảnh 1

Theo Luật Doanh nghiệp, công ty mẹ không được tham gia biểu quyết phương án sáp nhập của công ty con

 

… hay cố tình không hiểu luật?

Là người tham gia soạn thảo Luật DN, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, theo quy định của Luật DN, TCT Sông Đà là công ty mẹ của NLC, bởi sở hữu trên 50% vốn điều lệ của NLC. Do đó, TCT Sông Đà là người liên quan. Vì là người liên quan nên theo quy định tại Điều 120 Luật DN, TCT Sông Đà không được tham gia biểu quyết phương án sáp nhập NLC vào SJD, nhất là khi TCT Sông Đà là công ty mẹ của hai đơn vị sáp nhập, để tránh xung đột lợi ích với các cổ đông khác.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, ngoài gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhóm cổ đông hiện nắm lượng cổ phần tương đương 19,6% vốn điều lệ của NLC, do ông Nguyễn Văn Mạnh và ông Nguyễn Như Song làm đại diện, còn có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, huỷ bỏ Nghị quyết 01/2013/NQ-ĐHĐCĐ-02 của NLC về các vấn đề liên quan đến sáp nhập NLC vào SJD nếu xét thấy trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc điều lệ Công ty.

Ở một khía cạnh khác, theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng Chứng khoán và Đầu tư, trường hợp TCT Sông Đà cố tình hiểu sai luật và dùng lợi thế cổ đông lớn để thông qua phương án sáp nhập NLC vào SJD theo tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cổ đông nhỏ của NLC, thì pháp luật về DN đã có quy định bảo vệ cổ đông nhỏ trong trường hợp này.

Cụ thể, Điều 25 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN quy định, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban Kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc nếu họ không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty; lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…

Trong thời hạn 15 ngày, Ban Kiểm soát phải trả lời bằng văn bản xác nhận đã nhận được yêu cầu khởi kiện và tiến hành các thủ tục khởi kiện. Trường hợp không khởi kiện, hoặc trong công ty không có Ban Kiểm soát thì cổ đông, nhóm cổ đông có quyền trực tiếp khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc.

Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.