Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) bế tắc đường ra

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) bế tắc đường ra

(ĐTCK) Các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp gặp vướng mắc, không thể triển khai khiến Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) ngày càng sa lầy, kiệt quệ.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan gần đây, ông Cao Thành Đồng, Quyền Tổng giám đốc SBIC thừa nhận, các vấn đề vướng mắc trong thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp 5 năm gần đây hầu như chưa được tháo gỡ. Kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, vì thế, vẫn giậm chân tại chỗ.

Một trong những vướng mắc lớn nhất khiến SBIC không thực hiện được việc bán doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn là hầu hết các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đều trong tình trạng mất cân đối tài chính, âm vốn chủ sở hữu, trong khi nợ vay rất lớn.

“Việc chuyển nhượng vốn phải gắn liền với thu hồi công nợ là yêu cầu bắt buộc, bởi vốn vay của SBIC chủ yếu từ nguồn trái phiếu phát hành thông qua bảo lãnh của Chính phủ. Do đó, tiến trình đàm phán, chuyển nhượng để đạt được cả hai mục tiêu này là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi. Trong tình trạng này, dù có đối tác quan tâm, nhưng cũng khó có đối tác nào đủ kiên nhẫn để theo đuổi”, đại diện SBIC cho biết.

Cũng theo ông Đồng, hiện SBIC chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ vốn tại nhiều công ty cổ phần, công ty đầu tư liên kết.

Do đó, việc chuyển nhượng vốn gặp khó khăn khi phần vốn chưa góp sẽ không được quyền chuyển nhượng, bởi theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì tư cách cổ đông của SBIC trong các công ty gần như không còn do chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, trong khi cũng không thể chuyển nhượng quyền mua cổ phần này cho người khác.

Mặt khác, SBIC không thể chủ động thực hiện phá sản hay áp dụng hình thức tái cơ cấu khác đối với các doanh nghiệp này, vì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính doanh nghiệp và ý kiến của đại hội đồng cổ đông các công ty.

Việc giải thể đối với các công ty 100% vốn và đơn vị trực thuộc SBIC cũng gặp khó khăn, do không có nguồn tài chính để trả nợ.

Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, kết quả rà soát cho thấy, nếu chiểu theo các quy định hiện hành thì không doanh nghiệp nào của SBIC có thể thực hiện giải thể được. Điển hình là 2 trường trung cấp nghề công nghiệp tàu thủy II và III.

Với tình trạng tài chính kiệt quệ hiện nay, 2 trường trung cấp nghề này không đủ điều kiện để thực hiện giải thể theo quy định.

Bi đát hơn, một số công ty thuộc SBIC sau khi làm thủ tục giải thể không thành do không đủ điều kiện tài chính để giải thể đã nộp đơn phá sản lên tòa án, cũng bị tòa án từ chối tiếp nhận do đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong số này, có những “xác sống” vật vờ vô định hơn 6 năm nay mà vẫn chưa được cho “chết” hẳn.

Tương tự, việc thực hiện thủ tục phá sản ở một số đơn vị cũng tắc do không có tiền nộp bổ sung vốn để giải quyết các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến các khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý có nghĩa vụ phát sinh do thực hiện bảo lãnh vay vốn của SBIC đối với các khoản vay tại Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) và nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mà SBIC đã chính thức thừa nhận không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 

Trước thảm trạng này, gần đây, SBIC lại có đơn xin hướng dẫn cách thức giải thoát cho những “xác sống” trên; đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời chưa áp dụng hoặc tạm dừng các biện pháp phong tỏa tài sản, cưỡng chế hóa đơn, tính phạt chậm nộp thuế đối với Công ty mẹ SBIC và các đơn vị thành viên trong quá trình tái cơ cấu.

Đáng chú ý, SBIC đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương chưa thực hiện thu hồi đất các dự án để tìm đối tác chuyển nhượng dự án hoặc tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất để có nguồn thu trả nợ từ nay đến năm 2020.

Thực tế này đang đặt ra câu hỏi nhức nhối: Liệu đến bao giờ mới cắt bỏ được các “ung nhọt” của SBIC sau 10 năm tái cơ cấu bất thành?

Dư luận đang chờ đợi những giải pháp đủ mạnh từ các cấp có thẩm quyền nhằm thu hồi và giải phóng những nguồn lực còn lại tại Tổng công ty, tránh để tiếp tục lãng phí thất thoát tài sản nhà nước theo thời gian.

Tin bài liên quan