“Không được say sưa với thắng lợi…”
Cuối giờ làm việc sáng nay (28/12), tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, với nhiều gợi mở lớn về công tác Đảng, phát triển kinh tế xã hội trong năm 2019, cũng như thời gian tới.
Đánh giá về những thành quả tích cực của năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta vẫn phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Điều đó thể hiện qua những con số như: GDP tăng hơn 7%, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản, xuất siêu 7 tỷ USD… Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công có xu hướng giảm, thị trường tiền tệ ổn định…
“Nói mấy con số đó để thấy ít có năm nào đạt được những chỉ tiêu rất tiêu biểu như vậy...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
“Về quê ngày xưa nghèo lắm, nhưng nay khác rồi. Tôi về quê thấy nhiều nhà tầng. Ở quê cũng có ô tô, người dân sử dụng nhiều điện thoại di động…”, Tổng Bí thư nói.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, chính trị ổn định; các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt những kết quả quan trọng...
Đạt được những kết quả lớn trên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là nhờ chúng ta được thừa hưởng những thành quả to lớn, quan trọng của hơn 30 năm đổi mới; sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, chúng ta không được thỏa mãn, không quá say sưa với thắng lợi, vì đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính, tiền tệ. Xuất khẩu chịu ảnh hưởng dưới tác động của chiến tranh thương mại. Những hạn chế của môi trường đầu tư, kinh doanh còn ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát vẫn tồn tại, nhất là khu vực kinh tế nhà nước.
“Nói như thế không phải là coi thường kinh tế nhà nước, mà phải nhìn nhận thẳng thắn để chấn chỉnh…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
“Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 phải đạt cao hơn năm 2018…”
Trong phần phát biểu kết luận của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đặt hàng” Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, địa phương điều hành làm sao đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2019 phải cao hơn năm 2018. Đây là sức ép.
Cho rằng năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, một mặt yêu cầu các cấp, các ngành tham gia hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về các hạn chế, yếu kém để đề ra nhiệm vụ cho năm 2019 đúng đắn, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi ý một số nội dung lớn mà các đại biểu cần thảo luận.
Theo đó, về lĩnh vực kinh tế, cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Muốn thế phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ thực chất các vướng mắc, khó khăn, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tệ nhũng nhiều, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. “Khâu này người dân còn kêu lắm, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt là chỗ này…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thẳn thắng.
Ông cũng gợi ý phải phát triển đồng bộ các thị trường như: thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản. Giữ vững an ninh, an toàn tài chính. Đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, cũng như nợ xấu của các tổ chức tín dụng…
“Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, cùng với chủ động giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cần cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Chính phủ, các cấp, các ngành cần nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu, bài bản các chương trình, đề án, văn bản pháp luật, để đưa ra các giải pháp sát thực tế, có tính khả thi cao…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Ngoài quan tâm chỉ đạo về phát triển kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý Chính phủ, các cấp, các ngành cần coi trọng công tác xây dựng và phát triển Đảng; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa soi đường cho quốc dân đi như Bác Hồ căn dặn…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ cố gắng cùng tập thể Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và triển khai đầy đủ các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng những hành động cụ thể, thiết thực.