Khủng hoảng ngày càng trầm trọng
Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày trên 1 triệu dân tại Malaysia đã vượt qua Ấn Độ. Theo Our World in Data, dân số của Malaysia chỉ có 32 triệu người, thấp hơn nhiều so với 1,4 tỷ dân của Ấn Độ, nhưng trung bình 7 ngày, cứ 1 triệu người Malaysia thì có 205,1 trường hợp mắc bệnh, trong khi Ấn Độ con số này chỉ là 150,4 người.
Trong bối cảnh số ca bệnh nặng lên đến mức kỷ lục, chiếm gần 1.200 giường bệnh tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt, hệ thống y tế tại Malaysia đang có nguy cơ sụp đổ. Nhiều báo cáo cho biết, các bác sỹ buộc phải đưa ra lựa chọn đau lòng là ưu tiên chăm sóc cho những bệnh nhân có cơ hội phục hồi cao hơn.
Malaysia đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm đến nay và ghi nhận số trường hợp mắc mới theo ngày cao kỷ lục trong nhiều ngày liên tiếp kể từ sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr. Đợt lây nhiễm mới nhất này bắt nguồn từ các cuộc tụ tập đông người và hành vi không tuân thủ quy định giãn cách xã hội hay hạn chế di chuyển, ở cuối tháng lễ Ramadan.
Số ca lây nhiễm theo ngày đã vượt xa dự báo của Bộ Y tế Malaysia. Trước đó, cơ quan này cảnh báo nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nước này có thể đối mặt với số ca nhiễm theo ngày lên đến 8.000 ca vào đầu tháng 6.
Trong ngày 29/5, nước này đã ghi nhận mức kỷ lục 9.020 ca mắc mới và 98 ca tử vong. Riêng tháng 5, Malaysia đã ghi nhận 1.289 ca tử vong, vượt quá con số tử vong do Covid-19 trong năm đầu của đại dịch.
Chính phủ Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích sau khi số ca mắc và số ca tử vong gia tăng chóng mặt. Ngày 28/5, ông Muhyiddin Yassin tuyên bố áp đặt lệnh “phong tỏa toàn diện” trên toàn quốc bắt đầu từ tháng 6/2021, nhưng vẫn cho phép các dịch vụ hay các lĩnh vực thiết yếu duy trì hoạt động.
Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 1 năm nay, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 1/8. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh tồi tệ có thể khiến Thủ tướng Muhyiddin Yassin tìm cách kéo dài biện pháp này.
Trong bối cảnh số ca mắc tăng cao gấp 3 lần kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, các nhà lập pháp tại Malaysia đã kêu gọi Quốc hội nhóm họp khẩn cấp để xem xét các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và giải quyết những vấn đề liên quan. Vẫn chưa rõ Thủ tướng Muhyiddin có đồng ý với đề xuất triệu tập phiên họp Quốc hội khẩn cấp hay không.
Giai đoạn đầu tiên của lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ ngày 1 đến 14/6, sau đó Bộ Y tế Malaysia sẽ đánh giá tình hình để quyết định nên nới lỏng hạn chế và mở cửa trở lại nền kinh tế hay tiếp tục thắt chặt biện pháp kiểm soát.
Giới chức nước Malaysia cho biết, sự xuất hiện của một số biến chủng mới dễ lây lan hơn là một trong những lý do khiến nước này phải tái áp đặt lệnh phong tỏa. Malaysia đã phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên liên quan đến biến chủng B1617 có nguồn gốc từ Ấn Độ vào đầu tháng 5. Hai biến chủng khác từ Anh và Nam Phi, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là “những biến chủng đáng lo ngại” cũng đã lây lan trong cộng đồng.
Hiện tại, ngày càng có nhiều bệnh nhân tại Malaysia, trong đó có cả những người trẻ tuổi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Theo dữ liệu của Worldometers, tính đến ngày 1/6, Malaysia đã ghi nhận 572.357 ca mắc và 2.796 ca tử vong. Malaysia là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á xét theo quy mô dân số, mặc dù tổng số ca mắc vẫn thấp hơn Indonesia và Philippines.
Ông Zainal Ariffin Omar, cựu cố vấn của WHO về ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng cho biết: “Tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Các ca mắc đang xuất hiện khắp mọi nơi trên đất nước này. Malaysia cần một biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để điều chỉnh và cơ cấu lại các hành động chống dịch”.
Chiến dịch tiêm vaccine diễn ra chậm chạp
Hiện có khoảng 45,6% số người trưởng thành tại Malaysia đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng chiến dịch tiêm chủng vẫn diễn ra rất chậm chạp, một phần do tâm lý do dự của người dân, một phần do khó khăn trong quá trình vận chuyển vaccine.
Ông Zainal Ariffin Omar cho biết: “Nhiều người không muốn tiêm vaccine, đặc biệt là trong tháng lễ Ramadan. Những người khác lo ngại tác dụng phụ. Ngoài ra còn do các vấn đề nảy sinh như thiếu phương tiện vận chuyển vaccine đến các trung tâm tiêm chủng”.
Tại bang Kedah, khoảng 1/3 trong số 30.100 người được đăng ký tiêm phòng đã không đi tiêm theo đúng lịch hẹn. Bên cạnh đó, trục trặc liên quan đến ứng dụng di động MySejahtera của chính phủ Malaysia – được phát triển để truy vết và đăng ký tiêm vaccine, cũng khiến mọi người bỏ lỡ hoặc phải hủy lịch tiêm phòng.
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu từ nay cho đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho 80% dân số, hoặc gần 27 triệu người. Mặc dù tốc độ tiêm chủng đang được đẩy mạnh, nhưng hiện mới chỉ có 3,1% dân số được tiêm phòng đầy đủ và 5,3% được tiêm ít nhất một liều.
Malaysia bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 2/2021. Đến thời điểm hiện tại, nước này đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech, vaccine của AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất và vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc).
Dữ liệu chính thức cho thấy, các trung tâm tiêm chủng do chính phủ điều hành đã tiêm trung bình 66.158 liều mỗi ngày trong hai tuần qua. Nhưng con số này vẫn khá hạn chế. Nghị sỹ phe đối lập Wong Chen cho biết: “Cần phải có 250.000 lượt người tiêm mỗi ngày để hoàn thành mục tiêu theo đúng thời hạn của chính phủ”.
Ông Wong Chen cho hay: “Đã xảy ra tình trạng thiếu hụt vaccine, vì vậy chính phủ đang mua thêm một số lượng lớn vaccine dự kiến được bàn giao khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 để giải quyết vấn đề này”. Theo nghị sỹ này, hạn chế về năng lực xét nghiệm và truy vết không triệt để là hai trong số nhiều nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh mẽ.