Hưởng lợi từ các FTA
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cho biết, hiện gần 100% nguồn nguyên liệu của TNG có xuất xứ trong nước, chẳng hạn vải do Trường Thành, Formosa (nhà máy dệt Long An) sản xuất, bông và một số nguyên phụ liệu trực tiếp TNG đầu tư sản xuất, ngoài ra một lượng nguyên liệu khác nhập khẩu từ Hàn Quốc…
Các doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm và sử dụng các nguồn nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ như TNG sẽ có lợi thế lớn từ các FTA. Cụ thể, EVFTA yêu cầu quy tắc từ vải trở đi. Hàng Dệt may Việt Nam phải có các công đoạn Dệt nhuộm và Cắt may được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước có FTA chung với EU và Việt Nam (như Hàn Quốc) mới được hưởng ưu đãi thuế.
Còn CPTPP dành ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu toàn bộ 3 công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm, và may hoàn thiện được thực hiện trong nội khối CPTPP với tỷ lệ nội khối đạt trên 90% thành phần sản phẩm theo trọng lượng. 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn cắt và may gồm: vali - túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp, ngoài ra áp dụng với sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuộc nhóm danh mục nguồn cung thiếu hụt.
Các FTA được nhận xét sẽ thúc đẩy ngành dệt may phát triển theo chiều sâu, với nhiều công đoạn được thực hiện trong nước. Trên thực tế, những doanh nghiệp đầu ngành từ lâu đã có chiến lược đường dài chuẩn bị cho các bước hội nhập này. Ông Thời cho biết, TNG rất chịu khó đầu tư cho chuỗi sản xuất phụ trợ để chủ động kiểm soát chất lượng, thời gian giao hàng…
Chuỗi phụ trợ của TNG hiện bao gồm 7 ngành hàng gồm dây chuyền bông, thêu, trần, thùng carton, túi PE, in, giặt. Ngoài dây chuyền bông đang hoạt động, một nhà máy bông có công suất gấp đôi hiện nay, vào loại lớn nhất miền Bắc, dự kiến sẽ đi vào hoạt động bắt đầu từ Quý 4 năm 2019, gia tăng thêm năng lực cạnh tranh của TNG.
TNG đã có đơn hàng đủ cho kế hoạch năm 2019
Ngoài ưu đãi về thuế, các FTA được nhìn nhận sẽ đem lại cơ hội vàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đa dạng hóa thị trường và tái cấu trúc khách hàng. Chẳng hạn, với CPTPP, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường mà trước đó chưa có hiệp định thương mại song phương với Việt Nam như Canada, Mexico, Peru với kì vọng có thể tăng thị phần xuất khẩu vào các nước CPTPP lên khoảng 15% từ chưa đầy 10% hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm, ngoài các khách hàng truyền thống như Haddad, Comtextile, The Children’s Palace, Decathlon, các doanh nghiệp dệt may như TNG thường xuyên đón các đối tác nước ngoài đến trao đổi, đề xuất hợp tác, trong đó có nhiều tập đoàn đến từ các thị trường mới như Nga, Hàn Quốc. Theo đánh giá của ông Thời, đây là tín hiệu rất tốt vì muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp buộc phải đa dạng hóa khách hàng.
Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh đúng hướng
Báo cáo tài chính của TNG cho thấy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.043 tỷ đồng và LNST đạt 93 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,4% và 38,6%, với biên lợi nhuận gộp tăng lên 16,9% so với 16,8% cùng kỳ. Theo đó, công ty đã hoàn thành tương ứng 49% và 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, Q2/2019 ghi nhận doanh thu thuần tăng 39,5% và LNST tăng 22,5% so với cùng kỳ.
Kết quả tăng trưởng 2 con số là nhờ việc tái cấu trúc cơ sở khách hàng tập trung vào các khách hàng lớn kể từ đầu năm nay. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, TNG đang từng bước gia tăng tỷ trọng hàng FOB và tập trung các đơn hàng có biên lợi nhuận cao. Tính đến thời điểm này, TNG đã có đơn hàng đảm bảo cho doanh thu 4.300 tỷ đồng cả năm 2019, trong đó tỷ trọng lớn đến từ các khách hàng cũ đề nghị công ty tăng công suất và giá trị đơn hàng.
Theo nhận xét của đại diện Tập đoàn Delcathon, một trong những nhà nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, TNG được họ lựa chọn là một trong 3 đối tác chính dựa trên nhiều tiêu chí. Thứ nhất là doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không, với bộ tiêu chí đánh giá liên quan đến các yếu tố như công nhân, môi trường. Thứ hai là khả năng cung ứng dịch vụ, chẳng hạn khả năng giao và thực hiện đơn hàng đúng hạn, năng lực phản ứng kịp thời khi nhà nhập khẩu có những yêu cầu phát sinh. Thứ ba là chất lượng sản phẩm và cuối cùng mới là yếu tố giá cả.
“Tại Việt Nam, có không ít doanh nghiệp cho rằng, yếu tố giá cả được quan tâm hàng đầu, nhưng thực sự đó là tư duy sai lầm. Nếu chọn giá thấp, chúng tôi đã đưa các đơn hàng sang Bangladesh hay Ấn Độ, nhưng thực tế Việt Nam lại giành nhiều đơn hàng hơn. Chúng tôi thường xuyên đọc các báo cáo về nhân quyền, về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, để từ đó đánh giá xem nên hay không nên đặt quan hệ đối tác với các doanh nghiệp”, đại diện Delcathon chia sẻ với phóng viên.
Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, phát triển xanh và ưu tiên cho quản trị hệ thống minh bạch, đã giúp TNG đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của các đối tác lớn nhất thế giới. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh để TNG tiếp tục tiến sâu hơn trên thị trường dệt may, với tham vọng tạo ra nhiều giá trị cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.