Thông tư 50 hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, Thông tư 50 thay thế cho cả 3 thông tư cũ, gồm Thông tư 124/2012/TT-BTC, Thông tư 125/2012/TT-BTC và Thông tư 194/2014/TT-BTC, tạo được sự hợp nhất, đơn giản và rõ ràng về mặt hình thức văn bản.
Một trong những điểm mới tại Thông tư 50 là hướng dẫn chi tiết cách tính doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó thống nhất cách tính thị phần dựa trên con số về doanh thu phí bảo hiểm.
Trước khi có Nghị định 73, các quy định cũ đã ấn định doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ. Tuy nhiên, chưa có mẫu báo cáo hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về cách tính này cho đến khi Thông tư 50 ra đời.
Thực tế, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện tình trạng “lẫn lộn” về vị trí thứ nhất và thứ hai giữa 2 “ông lớn” bảo hiểm phi nhân thọ do cách tính doanh thu phí bảo hiểm gốc chưa thống nhất.
Báo cáo của IAV hồi đầu năm 2017 cho thấy, Bảo hiểm PVI đứng đầu thị trường phi nhân thọ về doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2016 khi ước đạt hơn 6.698 tỷ đồng, trong khi Bảo hiểm Bảo Việt xếp thứ hai với 6.551 tỷ đồng. Báo cáo này sau đó được hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ coi là tài liệu chính thức thống kê số liệu toàn thị trường năm 2016 và đưa vào các báo cáo nội bộ của mình.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, Báo cáo tài chính sau kiểm toán của Bảo hiểm PVI (thông qua Báo cáo tài chính của Công ty mẹ là Công ty cổ phần PVI) và Bảo hiểm Bảo Việt (thông qua Báo cáo tài chính của Tập đoàn Bảo Việt) lại cho ra 2 con số khác.
Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt ghi nhận đạt hơn 6.564 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, còn Bảo hiểm PVI là 6.527 tỷ đồng, kém Bảo hiểm Bảo Việt khoảng 37 tỷ đồng.
Với kết quả này, Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, mình mới là hãng dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc trong năm 2016, nhưng Bảo hiểm PVI không công nhận điều này.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh việc tính toán doanh thu phí bảo hiểm gốc theo quy định mới, đại diện IAV cho biết, theo quy định cũ thì Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm số 1, nhưng nếu áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 50 thì dẫn đầu thị trường phi nhân thọ là Bảo hiểm Bảo Việt.
Trước đó, ghi nhận của phóng viên từ Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI tại thời điểm xuất hiện các con số không thống nhất như trên, cả hai cùng cho rằng, chuyện nhất hay nhì không quan trọng bằng tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh - một trong những thước đo quan trọng để khách hàng xem xét ra quyết định lựa chọn khi mua bảo hiểm.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí đầu tuần qua, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký IAV co biết, ngoài thị phần hay các chỉ tiêu tài chính, cần dựa vào nhiều thước đo khác như số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, những đóng góp cho cộng đồng, cho ngân sách nhà nước…, để đưa ra những đánh giá đầy đủ, dài hạn về doanh nghiệp.
Cũng theo Tổng thư ký IAV, tuy luôn khẳng định nhắm đến hoạt động hiệu quả, không quá chú trọng vào doanh thu…, song trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đặt nặng chỉ tiêu này, bởi nó quyết định thị phần bảo hiểm, cũng là vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
“Thậm chí, các doanh nghiệp còn trông chừng nhau để ra báo cáo, nhất là với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn (không loại trừ với khối bảo hiểm nhân thọ). Bởi ngoài vấn đề thị phần, doanh thu phí bảo hiểm gốc lâu nay vẫn được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo khả năng thắng thầu tại các dự án tầm cỡ”, ông Gia Anh nhấn mạnh.
Số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm: Phí bảo hiểm gốc; phí nhận tái bảo hiểm; hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; phí về dịch vụ đại lý gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%; phí giám định tổn thất.
Các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ bao gồm: Hoàn phí bảo hiểm, giảm phí bảo hiểm; phí nhượng tái bảo hiểm; hoàn phí nhận tái bảo hiểm; giảm phí nhận tái bảo hiểm; hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.