Tinh thần doanh nhân

Tinh thần doanh nhân

(ĐTCK) Có một chuyện hài hước kể rằng, một người, sau nhiều năm lao động cật lực, tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ xa hoa ở một hòn đảo nọ. Giữa buổi sáng, ông nhìn thấy một chàng trai trẻ, nhàn tản tắm nắng, nhìn trời, ngắm biển giống mình. Muốn cho kẻ lười biếng này một bài giáo huấn, ông tiến tới gần:

- Này chàng trai trẻ, tại sao anh không làm việc như mọi người?

- Để làm gì hả bác? Chàng trai giật mình.

- Để thăng tiến hơn trong công việc, làm giàu cho bản thân, mua nhà, mua xe hơi…

- Nếu cháu có tất cả những thứ ấy rồi thì sao nữa ạ? Chàng trai hỏi.

- Thì anh tích lũy thật nhiều tiền bạc, đủ dùng cả đời, không phải vất vả làm lụng, anh đi du lịch và nghỉ ngơi.

Chàng trai mỉm cười: Bác à, bác xem cháu đang làm gì đây?

Làm việc để tích lũy tiền bạc nhằm nâng cấp chất lượng cuộc sống là mục đích chung của đa số theo câu chuyện trên, nhưng với nhiều doanh nhân không hoàn toàn đúng như cố thi sĩ Chế Lan Viên từng viết: “Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp…”. Động lực kinh doanh trước tiên được thắp lửa bằng khát khao làm giàu của mỗi cá nhân, tuy nhiên ở mức độ cao hơn còn là nỗ lực cá nhân gắn với mục tiêu muốn thay đổi và đóng góp cho xã hội, hơn là chỉ tích tụ tài sản đơn thuần.

Kết thúc năm 2013, như thường lệ, báo điện tử VnExpress đưa ra con số thống kê giá trị quy đổi từ cổ phiếu của các ông chủ trên sàn chứng khoán. Theo số liệu, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, giá trị cổ phiếu của 10 người đứng đầu sàn chứng khoán năm 2013 vẫn tăng 18% so với năm 2012, đạt 2,1 tỷ USD. Lần thứ 4 liên tục, Chủ tịch HĐQT Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng ở vị trí số 1 với tài sản khoảng 950 triệu USD, chưa tính số cổ phần nắm giữ của các thành viên gia đình.

Năm 2013, so với nhiều cổ phiếu blue-chip như VNM, HPG, REE, GAS…, cổ phiếu VIC bứt phá không mạnh mẽ, nhưng cũng đem về cho doanh nhân này thêm 130 triệu USD trong bảng kê tài sản. Ngoài chuyện được báo chí quốc tế tôn vinh là “tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam”, ông chủ của Vingroup trải qua một năm khá bận rộn: Tòa nhà Vincom A đổi chủ, Vingroup chuyển nhượng một phần cao ốc văn phòng Vincom B (TP. HCM), khai trương Vincom Mega Mall Times City ở Hà Nội, Vinpearl - công ty thành viên đầu tư hơn 150 triệu USD vào du lịch tại Nha Trang, Vingroup nhận 200 triệu USD từ Quỹ đầu tư Warburg Pincus phát triển chuỗi bán lẻ thương hiệu Vincom Retail… Vòng quay vốn - dự án - thoái vốn của Vingroup triển khai liên tục.

Năm 2013, GDP trung bình đầu người của Việt Nam là 1.960 USD. Về lý thuyết, con số 130 triệu USD tăng thêm tương đương với tài sản tạo ra của một nhóm khoảng 660 người Việt Nam chỉ làm việc tích lũy không chi tiêu gì, kể cả cho các nhu cầu thiết yếu như ăn uống trong khoảng một thế kỷ! Vị doanh nhân, được xem là “Donald Trump của Việt Nam”, dù có thể hưởng thụ một cuộc sống chất lượng rất cao, nhưng thật khó có thể gấp vài chục ngàn lần một người bình thường. Động lực nào để doanh nhân gốc Hà Tĩnh truyền lửa để Vingroup liên tục phát triển và khai trương các dự án quy mô?

“Mục tiêu của tôi là đẹp cho đời. Không quan trọng mình có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút. Dĩ nhiên trong chiến lược ấy là có thêm lợi nhuận để có thể xây dựng”, ông chủ của Vingroup từng trải lòng với báo giới về mục tiêu kinh doanh. Vingroup không bước đi trên tấm thảm đỏ, bằng phẳng trơn tru như triết lý kinh doanh của doanh nhân 46 tuổi này: Họ cũng gặp rắc rối, khiếu kiện về vấn đề giải phóng mặt bằng và sự phát triển bền vững gặp thách thức lớn từ các khoản vay nợ không hề nhỏ. Không phải Vingroup thuyết phục được tất cả mọi người về sự thành công của họ, nhưng nếu nhìn vào các công trình mà DN này đã khánh thành, khó có thể phủ nhận bộ mặt đô thị ở trung tâm Hà Nội và TP. HCM đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Cũng nằm trong thế hệ du học sinh Đông Âu, tiến sỹ vật lý Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer (MSN) được xem là một trong những doanh nhân thành công nhưng bí ẩn nhất hiện thời. Chỉ sở hữu tượng trưng 10 cổ phiếu MSN, tương đương khoảng 850.000 đồng vào cuối năm 2013, doanh nhân này không lọt vào bất cứ bảng thống kê tài sản nào. Tuy nhiên, giới tài chính ước lượng, chỉ riêng ở Masan Group, ông chủ này và các thành viên gia đình đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp khoảng 40% cổ phần. Năm 2013 là năm không thực sự thành công của Masan Group xét về phương diện tài chính, nhưng doanh nhân kín tiếng này cũng có lịch “hành động” dày đặc: Ngoài việc kiêm nhiệm thêm chức danh Tổng giám đốc, Masan Group đưa mỏ quặng volfram tại Thái Nguyên vào khai thác thương mại; công ty thành viên Masan Consumer mua lại Bia Phú Yên và Nước khoáng Vĩnh Hảo, đồng thời tung ra nhiều dòng sản phẩm mới: mì gói Sagami, cà phê Vinacafé Biên Hòa rang xay, cháo ăn liền B’fast…

Bí ẩn với bên ngoài bao nhiêu thì doanh nhân 51 tuổi, gốc Quảng Trị tạo dựng hình ảnh cởi mở với các cổ đông bấy nhiêu khi dành nhiều thời gian chia sẻ “điều đã đi cùng, đi theo sẽ là kim chỉ nam dẫn dắt cho sứ mệnh lộ trình kinh doanh của CTCP Hàng tiêu dùng Masan” trong ĐHCĐ 2013.

“Một cách ngẫu nhiên, ngày 1/4 là ngày thành lập của Tập đoàn Masan cũng là ngày thành lập của Tập đoàn Apple”, doanh nhân này mở đầu bài nói chuyện bằng việc liên hệ giữa điểm tương đồng ngày thành lập của thương hiệu Apple (năm 1976) và Masan (năm 2002). Sau đó, ông chủ của Masan kể câu chuyện năm 2000, Apple bước vào cuộc thử thách tồn tại hay không tồn tại, họ bắt đầu hành trình mới, thực hiện cuộc cách mạng về công nghệ.

“Apple không phải là người đầu tiên có những phát kiến về công nghệ, nhưng cùng với Google tạo ra cú huých cuối cùng đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức”, doanh nhân này hùng biện rồi nêu tham vọng của Masan: “Chiến lược của chúng ta không chỉ mang giá trị thực sự cho người tiêu dùng Việt Nam giống tất cả các công ty thành công tạo ra giá trị cho khách hàng của họ”, mà còn lớn hơn,  “với các công ty vĩ đại như Apple chúng ta đi sau 20 năm, với các công ty vĩ đại như GE (General Electric) chúng ta đi sau hàng trăm năm, nhưng chúng ta có niềm tin rằng, một ngày nào đó có cơ hội ngang bằng và được công nhận!”.

Kể từ khi được nhắc đến thường xuyên, Masan phân hóa thị trường làm đôi. Một nửa ca ngợi Masan về sự thành công tài chính hay thương hiệu. Nửa đối lập nghi ngờ chất lượng, thậm chí tẩy chay giá trị sản phẩm của công ty hàng tiêu dùng này, khi Masan phá bỏ nhiều thói quen truyền thống. Giữa niềm tin và hành động có một khoảng cách lớn. Còn một hành trình dài và nhiều thử thách để doanh nhân này thực hiện hoài bão và chưa hẳn sẽ đạt được mục tiêu lớn của mình như phát biểu với cổ đông. Nhưng Oprah Winfrey, một phụ nữ có ngoại hình dưới mức trung bình trở thành ngôi sao dẫn chương trình trên truyền hình Mỹ từng chia sẻ: “Bạn sẽ trở thành những gì mà bạn tin. Vị trí của bạn ngày hôm nay trong cuộc đời xuất phát từ chính những gì mà bạn đặt niềm tin”.

Trong cuốn “Thế giới phẳng”, nhà báo Thomas Friedman có đưa ra một hình ảnh ví von về cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa giống như chạy đua nước rút 100 mét, nhưng chạy liên tục, chạy không ngừng nghỉ. Cho dù DN có là người thắng cuộc ngày hôm nay thì ngày mai vẫn tiếp tục bước vào một cuộc đua mới, giải thưởng ngày hôm qua không còn ý nghĩa. Điều này cũng đúng với nhiều DN, trong đó có Thủy sản Minh Phú, công ty tôm số 1 Việt Nam. Gia đình doanh nhân Lê Văn Quang và Chu Thị Bình đang sở hữu trên 60% cổ phần của Minh Phú, về lý thuyết tương đương khoảng 55 triệu USD nhưng thực tế theo tâm sự của “Vua tôm”: “Có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua toàn bộ công ty với giá 200 triệu USD”.

Cặp vợ chồng doanh nhân này khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, gây dựng được Minh Phú trở thành công ty tôm tầm cỡ thế giới khi năm 2013, doanh số xuất khẩu trên 520 triệu USD, số 1 thế giới. Nhưng họ vẫn chưa bằng lòng với những thành tích quá khứ: Minh Phú đang thực hiện hủy niêm yết tự nguyện, mua lại cổ phần của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không trở thành công ty đại chúng để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, tái cơ cấu, bớt phụ thuộc vào sử dụng đòn bẩy tài chính. Bề ngoài, việc hủy niêm yết của Minh Phú là sự thụt lùi về minh bạch, nhưng bên trong, “Vua tôm” chấp nhận giảm mức sở hữu có thể về 30%, thay đổi để đi xa hơn: “Quản lý theo kiểu gia đình được nhiều thứ, nhưng cũng mất nhiều thứ. Minh Phú dứt khoát phải quốc tế hóa” và: “Kinh doanh như chạy đua, mình chạy nhưng chậm hơn người khác thì cũng là thua cuộc”.

Khoảng đầu thập niên 1990, Kim Woo Choong, Chủ tịch Tập đoàn Daewoo lừng danh truyền bầu nhiệt huyết cho thế hệ thanh niên Hàn Quốc với cuốn tự truyện: “Thế giới này quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”. Tuy nhiên, năm 2005, huyền thoại này bị kết án vì các cáo buộc gian lận thương mại trong khủng hoảng tài chính châu Á. Hình tượng Daewoo ít nhiều sứt mẻ, nhưng cuốn sách vẫn được tái bản và bán chạy vì tinh thần “ý thức làm điều tốt đẹp cho mọi người để có thể đảm nhận trọng trách xây dựng một thế giới ngày mai đẹp hơn” của ông Kim không ai có thể phủ nhận. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam không chỉ có các gương mặt trên, mà còn nhiều doanh nhân ở nhiều lĩnh vực, họ tạo ra những thành quả riêng trong kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khởi sắc. Các doanh nhân có những góc cạnh, cá tính riêng, nhưng đều nuôi hoài bão lớn, mà ngoài sự làm giàu cá nhân còn muốn tạo ra cú huých góp phần làm xã hội thịnh vượng hơn, dù có thể đã thành công hoặc đang gặp thử thách.              

Tin bài liên quan