Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I/2016

Hôm nay (26/3), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016.

1. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Về giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 0,99% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,69%; bình quân 3 tháng đầu năm tảng 1,25%. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,76% so với cùng kỳ năm trước.

Về tiền tệ, tín dụng: tính đến ngày 20/3/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 3,08% so với tháng 12/2015; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức túi dụng ước tăng 2,26%; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,54%. Lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định.

Về thu - chi ngân sách nhà nước: lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng thu NSNN ước đạt 182,42 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 227,73 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm.

2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng GDP Quý I/2016 ước đạt 5,46%, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 1,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,72%; dịch vụ ước tăng 6,13%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung Quý I/2016, IIP tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: sản xuất, phân phối điện tăng 13,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,9%; khai khoáng giảm 1,2%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt: rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và thiếu nước ngọt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2016 ước giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nông nghiệp giảm 2,5%; lâm nghiệp tăng 6,3%; thủy sản tăng 2,3%.

Tính đến ngày 15/3, cả nước đã gieo cấy hơn 3 triệu ha lúa đông xuân, bằng 98,8% so với cùng kỳ. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 1,1 triệu ha lúa đông xuân, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về khu vực dịch vụ: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong Quý I/2016 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,9%. Khách quốc tế đến nước ta tháng 3 ước đạt 820,5 nghìn lượt người tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung Quý I/2016 ước đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất nhập khẩu: trong Quý I/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37,11 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015; xuất siêu khoảng 776 triệu USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về đầu tư phát triển: tổng vốn đầu tư xã hội Quý I/2016 đạt khoảng 273,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,7% so vói cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn đầu tư thuộc NSNN ước tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp: trong Quý I/2016, cỏ 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 24,8%, số vốn đăng ký tăng 67,2%. Vốn đăng ký bình quân 01 doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Có 9.376 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,3% so với Quý IV/2015 và tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: tính đến ngày 25/2/2016, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp; đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp của 31 doanh nghiệp; đã thoái vốn với giá trị sổ sách 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng.

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đều được quan tâm thực hiện tốt.

Đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế xã hội Quý I/2016 đã đạt được một số kết quả tích cực, như: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn cùng kỳ; đã cỏ xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn,... được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình Quý I, cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với Quý I/2016. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu,... sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước.

Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Sản xuât và đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan