Tính đến cuối năm 2020: Dư nợ tín dụng các dự án xanh khoảng 290 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng với chức năng là kênh dẫn vốn của nền kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2020: Dư nợ tín dụng các dự án xanh khoảng 290 nghìn tỷ đồng

Thời gian qua, hoạt động tín dụng ngân hàng đã có những đóng góp đáng kể trong thực hiện tăng trưởng xanh. Ước tính cuối năm 2020, theo thống kê sơ bộ dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh khoảng 290 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào các ngành chủ chốt của tăng trưởng xanh như: Nông nghiệp sạch (127 nghìn tỷ đồng); năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (84 nghìn tỷ đồng); quản lý nước bền vững tại đô thị và nông thôn (31 nghìn tỷ đồng).

Đồng thời, các TCTD cũng đã thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho các dự án, phương án với dư nợ được đánh giá khoảng 1,2 triệu tỷ đồng của gần 500 nghìn khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.

Từ những kết quả nêu trên của ngành ngân hàng, tại “Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019” của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN.

Đồng thời, tại báo cáo Tiến bộ quốc gia của Việt Nam năm 2019, Việt Nam được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs - một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.

Đặc biệt, từ thực tiễn trong quá trình triển khai về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, trong năm 2020, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, NHNN đã xây dựng “Sáng kiến về các nguyên tắc ngân hàng bền vững” với mục đích hướng dẫn NHTW và Cơ quan quản lý tiền tệ của ASEAN thúc đẩy ngân hàng bền vững trong khối ASEAN.

Sáng kiến được đệ trình tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN (ACGM) vào tháng 10/2020 và nhận được đánh giá rất cao của NHTW các nước ASEAN. Hiện nay, Sáng kiến đang được Đồng Chủ trì Ủy ban cấp cao về Hội nhập ngân hàng tiếp tục và hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của NHTW các quốc gia, và sẽ đề xuất ban hành tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (ACGM) lần thứ 17 vào tháng 3/2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường. Trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường;

Thứ hai, các tiêu chí cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực xanh còn chung chung, khá phức tạp, gây khó khăn cho các TCTD khi làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng;

Thứ ba, nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế;

Thứ tư, mặc dù các TCTD đã quan tâm tới đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tuy nhiên hiện nay phần lớn cán bộ tín dụng chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực môi trường nên các TCTD gặp khó khăn trong quá trình thẩm định rủi ro môi trường xã hội.

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau Covid-19. Theo đó:

Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các TCTD. Trên cơ sở các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động tín dụng xanh, NHNN sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho những ngành kinh tế làm cơ sở cho các TCTD cho thẩm định và quyết định cấp tín dụng.

Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tin bài liên quan