Mạng xã hội đang trở thành một phần “không thể thiếu” của đời sống xã hội và thế giới ngày nay. Cơ hội rất lớn, tiện ích không hề nhỏ. Nhưng mạng xã hội cũng đang là nỗi khiếp đảm với nhiều người. Có xây đắp, nhưng cũng có hủy hoại, tàn phá. Facebook đang là “siêu quyền lực” vì tính không bị kiểm soát. Sự bình yên đang bị tước đoạt vì sự thiếu tử tế và tàn nhẫn.
Mark Zuckerberg, 34 tuổi, cha đẻ của Facebook đã bị Chris, người bạn cùng phòng ở ký túc xá Đại học Havard, sau này là người đồng hành, nhận xét: “Mark vẫn là một con người. Nhưng bởi chính cái sự người đó, thứ quyền lực chẳng ai kiểm soát được của nó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng”. Mạng xã hội với xã hội nói chung và báo chí nói riêng là câu chuyện rất lớn. Báo chí sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng thật sự về cách thức, phương thức làm nghề. Nhưng, tôi cho rằng, lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghề thì không thể khác.
Ở bất cứ thời kỳ nào, “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Có một "bệnh" của chính các nhà báo, viết không hay, khô cứng lại đổ lỗi là viết theo yêu cầu của “nhiệm vụ chính trị” khi không biết cách làm báo hấp dẫn, tuyên truyền theo kiểu “bưng bê” nguyên xi, trích dẫn nghị quyết tràn lan, theo kiểu minh họa… Họ làm nghề một cách dễ dãi, thiếu năng động. Tôi đã từng có lần phát biểu rất thẳng thắn, rằng cách làm báo đó là không thể chấp nhận được, phải thay đổi vì như thế chỉ làm “khô héo” nghị quyết.
Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn.
Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn. Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan tỏa.
Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Để làm được điều này là vô cùng khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mong manh.
Trong thời đại truyền thông, kỹ thuật số hôm nay, thách thức chung, lớn và gay gắt nhất với nhiều tờ báo, nhất là báo in đang mất dần vị thế, là việc không đủ năng lực, phương tiện, con người, phương thức hành nghề…, vì thế mà có nguy cơ bị xóa sổ. Các tờ báo phải nhìn thấy và nhanh chóng tìm ra con đường tồn tại bằng nhiều biện pháp, cách thức phù hợp. Vượt qua được thì sẽ đứng vững.
Một cơ quan báo chí lành mạnh, đích thực, các giá trị chính đáng đều được coi trọng, lao động sáng tạo được bảo vệ và tôn vinh thì đó là môi trường lý tưởng để báo chí có thể hoàn thành các sứ mệnh nhân văn to lớn và thiêng liêng bảo vệ chân lý và lẽ phải.