Tin xấu không làm thị trường giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán có diễn biến tích cực, vượt dự đoán của nhiều nhà đầu tư. 

Ðây là trạng thái khả quan khi mà dưới tác động của nhiều tin tức xấu, chỉ số vẫn nhanh chóng hồi phục cho thấy một dòng tiền chờ chực bắt đáy.

Mặc dù vậy, thanh khoản duy trì ở mức thấp thể hiện sự lưỡng lự hoặc chưa rõ nét trong định hướng đầu tư, nhà đầu tư đang chờ đợi dấu hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường. Do đó, dòng tiền tập trung tìm kiếm cơ hội tại nhóm cổ phiếu giá trị và nhóm cổ phiếu “phòng thủ”.

Trong những phiên gần đây, sắc xanh chiếm ưu thế tại các cổ phiếu trong lĩnh vực điện, nước, dược phẩm, cảng biển, phân bón, dệt may, hóa chất…

Trong đó, các mã mang lại mức sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư có “câu chuyện riêng” hỗ trợ, có thể kể đến VGC (phản ánh với thông tin Gelex chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu), DGW (câu chuyện hợp tác chiến lược với Apple), hay nhóm Viettel (Tập đoàn Viettel dự kiến hạ tỷ lệ sở hữu tại VTP, CTR, VTK).

Trước mắt, thị trường vẫn có những thông tin có thể tiếp tục nâng đỡ chỉ số. Gần nhất là động thái của các ngân hàng trên thị trường 1, đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 10 - 90 điểm cơ bản, tùy từng kỳ hạn, kể từ đầu tháng 7.

Ðây là đợt giảm lãi suất mạnh nhất và tiếp nối đà giảm từ cuối năm 2019 đến nay. Lãi suất tiền gửi hiện phổ biến trong khoảng 3,5 - 4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,4 - 6,7%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Vùng lãi suất này thấp hơn 0,75 - 1%/năm so với thời điểm cuối năm 2019.

Bên cạnh sự tác động giảm của các lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi giảm mạnh chủ yếu là do đầu ra tín dụng yếu.

Tăng trưởng tín dụng đến 29/6/2020 là 3,26% so với cuối năm 2019, dù có tăng tốc trong tháng 6 (tăng 1,28% so với tháng 5).

Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,36% của 6 tháng đầu năm 2019. Tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng khiến các ngân hàng thương mại dư thừa tiền đồng và điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Trong nửa cuối năm 2020, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi có xu hướng đi ngang và tiếp tục giảm nhẹ, đây sẽ là yếu tố góp phần giữ dòng tiền ở lại thị trường chứng khoán nhằm tìm kiếm cơ hội từ cổ phiếu.

Bên cạnh đó, không ít tin tức tích cực đã trở lại. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 và tháng 6 lần lượt tăng 11,9% và 10,3% so tháng trước đó; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 51,5 điểm so với mức 42,7 điểm tháng 5; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6 tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ðặc biệt, kết quả khảo sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo qua chỉ số PMI gần đây cho thấy quan điểm tích cực trong quý III.

Tăng trưởng thấp trong quý II, nhưng sẽ hồi phục dần từ quý III, tạo ra kỳ vọng tích cực với thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan