Tín hiệu và cảnh báo trong hoạt động thương mại 2 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu tuy không nằm trong bộ chỉ tiêu kế hoạch 2021, nhưng vẫn là điểm nổi bật nhất trong 2 tháng đầu năm.
Tín hiệu và cảnh báo trong hoạt động thương mại 2 tháng đầu năm

Nhưng, điều này cũng đưa đến những tín hiệu và cảnh báo về lĩnh vực này cùng nhiều chỉ tiêu kinh tế khác.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay đạt mức lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay - lần đầu tiên vượt qua mốc 24,2 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân gần 23,6 tỷ USD của cả năm 2020.

So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 23,2% - một tốc độ tăng cao hiếm thấy so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ các năm trước, vượt xa so với tốc độ tăng của nhiều chỉ tiêu kinh tế khác, như chỉ số sản xuất công nghiệp (7,4%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (5,5%)…

Trong 45 mặt hàng chủ yếu có thống kê chi tiết, có 36 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, trong đó một số mặt hàng có mức tăng cao (trên 200 triệu USD), như điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, sắt thép...

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) - tăng tới 30,5%, cao hơn so với tốc độ tăng chung và khu vực kinh tế trong nước - tăng 4,4%, cũng là tốc độ tăng cao hơn các con số tương ứng của cùng kỳ một số năm trước.

Nhập khẩu tăng cao trở lại (25,9%). Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có số liệu chi tiết, có 44 mặt hàng tăng so với cùng kỳ (chỉ có 9 mặt hàng giảm). Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng lớn (trên 200 triệu USD), như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép...

Do nhập khẩu có quy mô thấp hơn xuất khẩu, nên Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn ngay từ 2 tháng đầu năm. Xuất siêu thuộc loại cao so với cùng kỳ từ trước đến nay. Tháng 1/2021 có 11 thị trường xuất siêu lớn (đạt trên 200 triệu USD), lớn nhất là Mỹ, tiếp đến là Hồng Kông, Hàn Quốc, Anh...

Những điểm vượt trội trên đạt được trong điều kiện khó khăn mới ở trong nước (dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 1/2021 đến nay) càng có ý nghĩa trong việc thực hiện mục tiêu kép. Kết quả của 2 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu khả quan để cả năm 2021 đạt các kỷ lục mới về tổng quy mô xuất nhập khẩu, quy mô xuất khẩu, xuất khẩu so với GDP, xuất khẩu bình quân đầu người… và sẽ là năm thứ 6 liên tiếp xuất siêu.

Nếu tín hiệu trên thành hiện thực, thì đưa đến nhiều kết quả tích cực cho năm 2021 về nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như tăng trưởng kinh tế, thặng dư cán cân thương mại tiếp tục góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm tính thanh khoản quốc gia, góp phần ổn định tỷ giá, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia…

Tình hình 2 tháng đầu năm và những yếu tố tác động trong thời gian tới cũng cảnh báo một số vấn đề về xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu. Tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức rất cao và tăng so với cùng kỳ năm trước (76,4% so với 72,1%).

Tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” tiếp tục diễn ra. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 29,3% tổng số, sang Trung Quốc chiếm tới 17,5%, sang Hàn Quốc chiếm 7%, sang Nhật Bản chiếm 6,6% - chỉ 4 thị trường này đã chiếm 60,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số (như cao su, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn…).

Xuất siêu lớn hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, về thị trường phần lớn là với Mỹ (2 tháng lên tới 12,1 tỷ USD). Nhập siêu đối với một số thị trường còn lớn (2 tháng Trung Quốc 8,8 tỷ USD, Hàn Quốc 5 tỷ USD…) Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 36,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong đó có một số mặt hàng từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nhập khẩu, như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, xơ sợi, sắt thép…

Tin bài liên quan