Đóng góp chính cho đà tăng mạnh của chỉ số Hang Seng là việc cổ phiếu của Tencent Holdings Ltd đã tăng 24% kể từ đầu tháng 11 cho tới nay. Với sức tăng này, vốn hóa của Tencent đã vượt qua mức 500 tỷ USD, cao hơn so với công ty cùng ngành là Facebook Inc. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Ping An Insurance Group Co cũng đã tăng 26%.
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là tuy chỉ số Hang Seng đã tăng 6,5% trong tháng 11, nhưng có tới 20 mã cổ phiếu trong chỉ số này đang liên tục giảm so với 25 mã đi lên.
Bên cạnh đó, nỗi lo lắng thực sự của các thành viên thị trường đối với chứng khoán Hong Kong là việc cơn sốt IPO đã quay trở lại. Vào trung tuần tháng 11, lượng đặt mua cổ phiếu IPO của China Literature Ltd đã cao hơn 600 lần so với lượng chào bán, giúp thương vụ này thu về ít nhất 520 tỷ HKD (67 tỷ USD), tương đương 1/3 cơ sở tiền tệ của Hong Kong, theo South China Morning Post. Cổ phiếu của công ty sách điện tử này đã đóng cửa ở mức cao hơn 86% trong ngày giao dịch đầu tiên.
Theo các chuyên gia kinh tế, các thương vụ IPO nóng thường là tín hiệu của việc thị trường đạt đỉnh và tại Hong Kong, “chân lý” này đã được chứng minh không ít lần. Trong quá khứ, đã ba lần thị trường chứng khoán Hong Kong chứng kiến các thương vụ IPO khủng đánh dấu đà đi xuống của thị trường.
Theo đó, năm 1997, thương vụ IPO của Beijing Enterprise Holdings Ltd đã lần đầu tiên tạo ra cơn sốt hừng hực tại thị trường chứng khoán Hong Kong. Nhà đầu tư đặt mua số cổ phiếu cao gấp 1.250 lần số cổ phiếu đem bán. Việc nhà đầu tư chuẩn bị nguồn vốn cho thương vụ IPO trị giá 234 tỷ HKD này đã khiến lãi suất liên ngân hàng qua đêm tại Hong Kong tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 2 năm.
Cổ phiếu của Beijing Enterprises bắt đầu giao dịch vào ngày 29/5/1997, chỉ số Hang Seng đạt đỉnh vào ngày 7/8. Sau đó, vào tháng 8/1998, chỉ số này đã lao dốc giảm hơn 60%.
Tiếp theo tới năm 2000, chứng khoán Hong Kong lại một lần nữa bắt đầu leo dốc, mà trợ lực chính là đà tăng từ sự bùng nổ bong bóng dotcom tại Mỹ. Lần này, thương vụ IPO Tom.com của tỷ phú Li Ka-shing chính là dấu mốc.
Vào thời điểm đó, hàng trăm người xếp hàng dài bên ngoài trụ sở chính của HSBC, đơn vị tư vấn thương vụ này, hơn 50.000 bản cáo bạch được phân phát sạch sẽ chỉ trong 2 giờ, cảnh tượng chưa từng thấy kể từ cơn sốt năm 1997. Lượng chào mua cao gấp 670 lần số cổ phiếu chào bán của Tom.com.
Ngày 28/3/2000, một tháng sau khi cổ phiếu của Tom.com giao dịch, chỉ số Hang Seng đạt đỉnh ở mức 18.301 điểm. Từ đó cho tới cuối tháng 5, chỉ số này đã giảm hơn 25%, khi bong bóng internet vỡ tan tại Mỹ, đồng thời chưa từng đạt được mốc kỷ lục này cho tới năm 2007.
Và mới đây nhất, thương vụ IPO đình đám của Alibaba.com Ltd năm 2007 chính là cột mốc cho việc thị trường chứng khoán Hong Kong đảo chiều. Với lượng đặt mua cao gấp 250 lần lượng chào bán, Alibaba.com đã thu về 1,5 tỷ USD từ đợt IPO vào ngày 29/10/2007. Sự kiện này diễn ra chỉ một ngày trước khi thị trường chứng khoán Hong Kong đạt đỉnh.
Cổ phiếu của Alibaba.com bắt đầu giao dịch chính thức vào ngày 6/11 và tăng giá gấp 3 trong ngày giao dịch đầu tiên. Một năm sau đó, chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 65%.
Câu hỏi hiện đang ám ảnh giới đầu tư là thương vụ IPO của China Literature mới đây “trùng khớp” bao nhiêu phần trăm với những mẫu hình kể trên. Theo Nisha Gopalan, nhà kinh tế học đã theo dõi thị trường chứng khoán Hong Kong trong hơn 2 thập kỷ qua, China Literature chắc chắn sẽ tạo tiếng vọng tương tự, dù tình hình hiện tại có một số khác biệt.
Theo đó, chỉ số Hang Seng đang thấp hơn 8% so với mức đỉnh năm 2007 và một số yếu tố cơ bản của thị trường vẫn được duy trì. Chưa kể, một thương vụ IPO không kém phần đình đám sắp xuất hiện, đó là Ant Financial, công ty dịch vụ thanh toán của Alibaba Group Holdings Lld sẽ IPO vào năm 2018. Do đó, theo Nisha Gopalan, thị trường chứng khoán Hong Kong sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng nhưng sẽ đảo chiều trong chưa tới một năm.