Sự “hấp dẫn” bị giới hạn
Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ một trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; bảo vệ sức khỏe con người và đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững… Thời điểm đó, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tham khảo một số ngân hàng về việc cấp tín dụng xanh và nhận được những phản hồi không mấy “mặn mà”.
“Ngân hàng không phải là nơi làm từ thiện. Trong khi còn đang 'quay cuồng' huy động vốn thì lấy đâu ra nguồn vốn dành cho tín dụng xanh với mức lãi suất thấp, lại còn dài hạn”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Cũng đưa ra lý do, cán bộ tín dụng của một ngân hàng thẳng thắn: “Doanh nghiệp không dễ dàng để chứng minh yếu tố xanh trong dự án, chứ chưa để cập đến việc đảm bảo khả năng quản trị và kinh nghiệm. Đó là chưa kể, không phải lúc nào ngân hàng cũng sẵn có chuyên viên đủ trình độ để thẩm định các dự án xanh”.
Thậm chí, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng còn nhấn mạnh: “Không ít ngân hàng công bố cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ là làm hình ảnh cho ngân hàng”.
Đến đầu năm 2017, NHNN ban hành tiếp Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và thị trường bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc hơn. Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, trong quý IV/2017, dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, thì đến quý I/2018 đã ở mức 188.270 tỷ đồng, quý III/2018 đã đạt 235.717 tỷ đồng.
Khảo sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh thực hiện vào tháng 3/2019 cho thấy, sự hiểu biết của các TCTD về tín dụng xanh đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, 19 TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh.
10 TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh…
Tuy vậy, thống kê của NHNN cũng cho thấy, hiện mới có 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại hội sở chính và chi nhánh của một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, Viet A Bank, OCB, HSBC…
Lối đi bắt đầu thông thoáng
Đầu tuần, TPBank đã thực hiện ký kết hợp đồng dài hạn khoản vay tín dụng xanh trị giá 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu - The Global Climate Partnership Fund (GCPF). Được biết, việc ký kết hợp tác với GCPF sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2 và thân thiện với môi trường, xã hội.
Trước đó, GCPF đã ký kết hợp tác triển khai chương trình “Tín dụng xanh” với Nam A Bank nhằm cấp vốn cho các doanh nghiệp và cá nhân. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Nam A Bank trong dự án cộng đồng “Tôi chọn sống xanh”.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Quang Duy, chuyên gia đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của GCPF cho biết, TPBank là đối tác ngân hàng thứ 2 tại Việt Nam. Quỹ đánh giá cao về tiềm năng của thị trường Việt Nam, thể hiện bằng việc TPBank ngay sau khi ký hợp đồng hợp tác đã thực hiện thành công một số khoản cho vay vượt kế hoạch mong đợi.
“Việt Nam với nhiều yếu tố thuận lợi về vĩ mô, kinh tế, nhận thức của người dân, đối tác… GCPF xác định đây là thị trường lớn để phát triển dài hạn với những giá trị ngày càng đi lên”, ông Duy nói.
Những cái bắt tay giữa các đối tác để tạo vốn cho doanh nghiệp, hay ngân hàng trực tiếp cung cấp nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp đang ngày một tăng. Đơm cử, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, vốn vay các ngân hàng là 60%.
Agribank và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã ký kết hợp đồng tín dụng đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung (tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) có tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.372 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay từ Agribank chiếm 58,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế (tương đương 735 tỷ đồng); vốn đối ứng của EVNCPC là trên 521 tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, cho vay những dự án xanh không chỉ ít rủi ro hơn so với các khoản vay tín dụng thông thường, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn vì mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, bảo vệ môi trường. Tất nhiên, khi cho vay, ngân hàng vẫn phải lựa chọn khoản vay, khách hàng nhằm đảm bảo tuân thủ những điều kiện và tiêu chuẩn đáp ứng tín dụng xanh.
“Không chỉ tính đến mỗi hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng giờ đây còn tuân thủ các yếu tố môi trường, xã hội nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, lợi ích chung của cộng đồng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, mục tiêu phấn đấu của ngành ngân hàng đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
“Về nhóm giải pháp, NHNN khuyến khích các TCTD xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, ban hành độc lập hoặc lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh hàng năm. Khuyến khích các ngân hàng xây dựng chính sách cụ thể cho các lĩnh vực môi trường nhạy cảm…”, bà Giang nói.