Nền kinh tế carbon thấp đang trở thành chuẩn mực mới ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng hơn, khi các yếu tố thời tiết như mực nước biển, xác suất mưa và lũ cực lớn, số lượng các đợt sóng nhiệt tăng, tần suất ngày nóng và đêm nóng… đều tăng.
Ðồng thời, lượng phát thải khí nhà kính GHG của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2030.
Trong đó, từ năm 2010 đến 2030, tổng lượng phát thải GHG của Việt Nam sẽ tăng gấp 5 lần, lượng khí thải trên đầu người tăng gấp 4 lần và mật độ carbon trong nền kinh tế tính theo GDP là 20%.
Các khoản đầu tư lớn cần thiết để bảo vệ con người và nền kinh tế cũng đang mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo.
Trên toàn cầu, các tổ chức tư nhân quan tâm đặc biệt đến việc tăng quy mô đầu tư dành cho việc giảm thiểu (và thích ứng với) biến đổi khí hậu và các mối nguy môi trường khác.
Ðiều này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của mối quan tâm ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội, hiểu được các tác động tiềm ẩn (chi phí kinh tế và tổn thất tài chính) từ rủi ro khí hậu đối với lĩnh vực tài chính, bên cạnh việc đồng ý rằng, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và thỏa thuận Paris là mục tiêu hấp dẫn và quan trọng.
Sự phản ánh rõ ràng nhất của mối quan tâm này là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường trái phiếu xanh.
Kể từ khi Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trái phiếu xanh lần đầu tiên vào năm 2008, thị trường này đã tăng trưởng mạnh.
Kết quả là, có 175 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành mới trong năm 2018 và hơn 152 tỷ USD từ đầu năm 2019 cho đến nay. Trái phiếu xanh là một loại chứng khoán có thu nhập cố định, tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.
Loại chứng khoán này đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc tạo ra các tác động xã hội và môi trường có lợi và có thể đo lường được, mà vẫn thu được lợi nhuận thương mại hấp dẫn.
Vượt lên thử thách
Ngoài thị trường vốn, ngành ngân hàng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hướng dòng vốn sang các hoạt động giải quyết những vấn đề về môi trường.
Trên toàn cầu, các ngân hàng đang tăng cường tài trợ và cho vay những dự án như hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp carbon thấp, vận tải carbon thấp, quản lý chất thải và nguồn nước bền vững…
Các nhà lập pháp, bao gồm các ngân hàng trung ương, đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các công cụ tài chính xanh vận hành thông qua các quy định pháp luật, thuế hoặc ưu đãi.
Bà Farah Imrana Hussain là chuyên viên tài chính cao cấp tại Kho bạc Ngân hàng Thế giới. Bà là thành viên của nhóm chuyên gia tài chính thiết kế và thực hiện các giải pháp tài chính nhằm giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển và giảm thiểu tác động của rủi ro tài chính, thiên tai và hàng hóa. Bà Hussain là chuyên gia trong cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính bền vững tại các thị trường mới nổi.
Trong khi các ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) và Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) đang đi đầu, thì các nhà lập pháp tại các thị trường mới nổi tại Trung Quốc, Malaysia và Bangladesh cũng thúc đẩy các chính sách và quy định để khuyến khích tín dụng xanh.
Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng Trung Quốc (The China Banking Regulatory Commission - CBRC) đã ban hành Nguyên tắc tín dụng xanh bắt buộc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (The People’s Bank of China - PBC) đã đưa ra các hướng dẫn để thiết lập một hệ thống tài chính xanh.
Kết quả rất khả quan. Các khoản tín dụng xanh như cho vay đối với các dự án tiết kiệm năng lượng hoặc giảm phát thải hiện chiếm khoảng 10% danh mục đầu tư của 21 ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc.
Chính phủ Malaysia đã giới thiệu đề án Tài chính công nghệ xanh (Green Technology Financing Scheme - GTFS) cung cấp cho người vay khoản hoàn trả 2% trên tổng số tiền lãi phải trả cho ngân hàng đối với các dự án xanh đủ điều kiện, cũng như đảm bảo 60% tổng số khoản vay được phê duyệt. Tính đến tháng 7/2018, đề án này đã phê duyệt các khoản vay trị giá 875 triệu USD cho 319 dự án, cùng sự tham gia của 28 ngân hàng và định chế tài chính.
Ngân hàng Trung ương Bangladesh đặt mục tiêu tối thiểu hàng năm cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác dành 5% tổng số tiền giải ngân và đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh.
Kết quả, vay tín dụng xanh đã tăng từ 24,2 tỷ BDT (Taka Bangladesh, đồng tiền của Bangladesh) vào năm 2015 (khi chính sách được đặt ra) lên 94,1 tỷ BDT vào năm 2018.
Sự trỗi dậy của tín dụng xanh
Sử dụng các khoản vay để tài trợ cho các dự án xanh không phải là mới, nhưng vào tháng 12/2018, Hiệp hội Thị trường cho vay (Loan Market Association) kết hợp với đại diện của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đã phát triển một khung tiêu chuẩn Nguyên tắc tín dụng xanh (Green Loan Principles - GLPs) nhằm tài trợ những dự án mang lại lợi ích rõ ràng cho môi trường.
Các nguyên tắc này lấy Nguyên tắc trái phiếu xanh (Green Bond Principles - GBP) được công nhận rộng rãi làm mẫu, khuyến khích những kỳ vọng về tính minh bạch trong lựa chọn dự án, phân bổ quỹ và báo cáo.
Áp dụng các phương pháp nhất quán trên toàn cầu để xác định khoản vay là “xanh” có thể giúp ngân hàng và các định chế tài chính theo dõi tỷ trọng tài chính xanh trong danh mục cho vay của mình so với mục tiêu phát triển bền vững, chuyển hướng dòng vốn để đạt mục tiêu cần thiết, thậm chí là xem xét thoái vốn với các tài sản gây hại cho môi trường.
Các khoản vay tín dụng xanh GLP cũng cho phép nhà lập pháp áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp toàn cầu đối với khuyến khích đầu tư như trợ cấp hoặc hoàn thuế.
Ðiều này sẽ giúp các dự án cỡ nhỏ, vốn đòi hỏi các khoản đầu tư nhỏ mà không vay được từ thị trường vốn, có thể tiếp cận các giải pháp tài chính ít tốn kém hơn. Ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng có thể tạo các gói tín dụng, bao gồm tín dụng xanh với trái phiếu xanh bảo đảm (Covered Green Bond).
Trong những ngày đầu, việc phát hành tín dụng xanh đã đạt khoảng 60 tỷ USD vào năm 2018. Trong khu vực ASEAN, Tập đoàn ING (Hà Lan) đã phát hành khoản vay đầu tiên theo Nguyên tắc tín dụng xanh để tài trợ cho một danh mục các dự án lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái nhà được phát triển và sở hữu bởi Sunseap Commercial Assets Pte. Ltd., công ty con của Sunseap Group, nhà cung cấp giải pháp năng lượng sạch lớn nhất tại Singapore.
Các khoản vay liên kết với mục tiêu phát triển bền vững
Một loại cho vay khác đang được quan tâm là khoản vay liên kết với mục tiêu phát triển bền vững, còn được gọi là khoản vay liên kết ESG hoặc khoản vay ưu đãi tích cực.
Các khoản vay này được sử dụng cho mục đích chung của doanh nghiệp, chứ không chỉ cho các dự án “xanh”, nhưng việc định giá khoản vay dựa trên điểm số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của người vay hoặc các mục tiêu phát triển bền vững tổng thể như giảm phát thải khí.
Nếu người vay đạt được mục tiêu phát triển bền vững sẽ được hưởng lợi từ lãi suất ưu đãi cho khoản vay. Nếu thất bại, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn. Những khoản vay này cũng tuân theo các tiêu chuẩn được phát triển bởi Hiệp hội Thị trường cho vay.
Công ty Nông nghiệp toàn cầu Louis Dreyfus - LDC (Hà Lan) có 2 khoản vay liên kết với mục tiêu phát triển bền vững: Một là khoản tín dụng xoay vòng (Revolving Credit Facility - RCF) trị giá 750 triệu USD ở Bắc Mỹ và RCF trị giá 650 triệu USD ở châu Á.
Mỗi năm, LDC sẽ được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất vay cho 2 khoản tín dụng xoay vòng này nếu đạt được những cải thiện trong phát triển bền vững.
Một kiểm toán viên độc lập sẽ đưa ra xác nhận cho những đánh giá này. Các công ty khác như Nokia (khoản vay trị giá 1,5 tỷ euro) và CMS Energy của Mỹ (khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD) cũng đã chọn khoản vay liên kết với mục tiêu phát triển bền vững .
Khi nhu cầu tài chính bền vững toàn cầu tiếp tục tăng, nguồn cung của các loại tín dụng này cũng sẽ tăng theo, đặc biệt là từ các công ty cam kết giảm lượng phát thải carbon và đạt được những kết quả tích cực.
Tiềm năng to lớn tại Việt Nam
Các ngân hàng và công ty tại Việt Nam cũng có thể nắm bắt những cơ hội kinh doanh này, đồng thời góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chi nhánh cho vay khu vực tư nhân của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã nhận thấy cơ hội đáng kể cho các khoản đầu tư kinh doanh chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ðơn cử, Ðồng bằng sông Cửu Long - khu vực có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được khai thác để đầu tư vào nông nghiệp thông minh trong biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời.
Bởi vậy, đã đến lúc sử dụng các sản phẩm tài chính cải tiến như tín dụng xanh và trái phiếu xanh để đưa Việt Nam vào con đường phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường hơn.