Tín dụng vẫn tăng trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng trong tháng 5/2021 vẫn tăng trưởng và dự báo, nhu cầu vốn sẽ không giảm.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định ở mức thấp cũng là điều kiện kích cầu tín dụng.

Thưa ông, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM có bị tác động bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 31/5/2021 đạt trên 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cuối năm 2020.

Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,22 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% tổng dư nợ; tăng 0,9% so với tháng 4/2021 và tăng 3,47% so với cuối năm 2020. Dư nợ trung và dài hạn ước đạt gần 1,433 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54% tổng dư nợ; tăng 1,12% so với tháng 4/2021 và tăng 5,77% so với cuối năm 2020.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn Thành phố cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực (tăng 3,64%).

Với đà này, khả năng nhu cầu vốn của khách hàng còn tăng trong các tháng tới, để chuẩn bị cho mùa vụ kinh doanh cuối năm 2021. Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Ông có thể cho biết thêm về tình hình tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng trước diễn biến của dịch bệnh?

Các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho doanh nghiệp (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN) đến cuối tháng 4/2021 đạt hơn 1,051 triệu tỷ đồng, với 401.336 khách hàng.

Trong đó, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 196.540 khách hàng, với dư nợ đạt 227.675 tỷ đồng; miễn/giảm lãi cho 124.652 khách hàng, với dư nợ đạt 7.657 tỷ đồng; cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đối với 80.144 khách hàng, với doanh số đạt 815.970 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng thực hiện tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể theo danh sách được các sở, ngành, quận, huyện và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến. Tính đến ngày 19/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã tiếp nhận danh sách 780 trường hợp được gửi về từ các sở, ngành và đã có kết quả xử lý đối với 772 trường hợp, đang xử lý 8 trường hợp.

Riêng Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến cuối tháng 4/2021, đã giải ngân số tiền 106.733 tỷ đồng cho 12.242 khách hàng. Tính chung đến thời điểm báo cáo, chương trình kết nối trên đã thực hiện được 107.315 tỷ đồng cho 12.357 khách hàng.

Trên thực tế, tín dụng vẫn tăng, song tốc độ huy động vốn lại chậm. Vậy lãi suất liệu có tăng, thưa ông?

Mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ổn định ở mức phù hợp (cả huy động và cho vay). Riêng với lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giữ ổn định, nếu có thể thì giảm lãi suất, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh Covid-19 tái phát.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến ngày 31/5 tăng 0,74% so với tháng 4/2021 và tăng 2% so với cuối năm 2020, đạt hơn 2,96 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư đạt 1,136 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,3%, tăng 0,6% so với tháng 4/2021 và tăng 1,93% so với cuối năm 2020. Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt hơn 1,581 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,3%, tăng 0,71% so với tháng 4/2021 và tăng 1,24% so với cuối năm. Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 249.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,4%, tăng 1,63% so với tháng 4/2021 và tăng 7,49% so với cuối năm 2020.

5 tháng đầu năm 2021, huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng khoảng 2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, song vẫn thấp hơn so với các năm trước đó (2018, 2019), chủ yếu do tác động của Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế.

Khi doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, nguy cơ nợ xấu có thể hiện hữu và thực tế tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đang có dấu hiệu đi lên. Ngân hàng đã chuẩn bị những giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

Tình hình nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn được kiểm soát ở mức tương đối thấp. Cụ thể, nợ xấu của các ngân hàng đến cuối tháng 4/2021 là 1,92% (đầu năm 2021 ở mức 1,85%).

Trước diễn biến thị trường hiện nay, các ngân hàng luôn đặt trọng tâm kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đến cuối tháng 5/2021, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 179.085 tỷ đồng, với 34.037 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 30.006 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 9.768 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 134.913 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 4.082 tỷ đồng và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 316 tỷ đồng.

Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi suất cho khách hàng. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cùng với việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Thông tư 03/2021/TT-NHNN trong 6 tháng cuối năm 2021.

Tin bài liên quan