Giảm cho vay tiền mặt theo lộ trình 5 năm
Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng, cho vay tiền mặt đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty đó phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính từ 1/1/2021 đến 31/12/2021 là 70%; từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 là 60%; từ 1/1/2023 đến 31/12/2023 là 50% và từ 1/1/2024 là 30%. Như vậy, các công ty tài chính có thời gian 5 năm để giảm dần cho vay tiền mặt xuống mức thấp nhất là 30% tổng dư nợ cho vay.
Thực tế, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng tăng và sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty cho vay tiêu dùng trong bối cảnh hình thức cho vay tra góp bắt đầu bão hòa, dẫn đến cuộc cạnh tranh thị phần tài chính tiêu dùng ngày càng khốc liệt. Đây là một trong những lý khiến do các công ty tài chính ra đời sau hướng đến các sản phẩm như cho vay tiền mặt trực tiếp hoặc phát hành thẻ tín dụng với hạn mức rất cao để thâm nhập vào phân khúc khách hàng không có tài khoản ngân hàng và thu nhập thấp. Quy mô của khoản vay không có tài sản bảo đảm thông thường từ 1-10 triệu đồng/khách hàng và quay vòng trong 30 ngày, nhưng cũng có thể lên tới 70 triệu đồng/khách hàng trong 3 năm, tùy theo lịch sử tín dụng của khách hàng.
Quy mô thị trường tiêu dùng cá nhân hiện chiếm tới 66-67% GDP và có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Trước đây, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN cho phép công ty tài chính giải ngân không quá 100 triệu đồng/khách hàng. Nhưng nay với lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay tiền mặt theo quy định của Thông tư 18/2019 thì người cần vốn không còn dễ dàng tiếp cận kênh tín dụng tiêu dùng chính thống này như trước và điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty tài chính.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc áp lộ trình giảm dần tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt đối với các công ty tài chính là cần thiết, giúp tăng khả năng kiểm soát người vay, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tác động lên cuộc sống của người dân như hiện nay, việc đẩy mạnh kênh tín dụng tiêu dùng chính thống cũng rất quan trọng.
Theo các chuyên gia, khi tín dụng chính thức phát triển sẽ giúp đẩy lùi tín dụng phi chính thức, mà cụ thể ở đây là “tín dụng đen”. Đơn cử, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, việc các công ty tài chính và ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự tăng trưởng của “tín dụng đen” đang hoành hành hiện nay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho biết, quy mô thị trường tiêu dùng cá nhân hiện chiếm tới 66-67% GDP và có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Để phục vụ thị trường rất lớn này, tín dụng tiêu dùng chính thức cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nếu không “tín dụng đen” sẽ có cơ hội phát triển.
Dòng tín dụng tiêu dùng đang bị nghẽn lại |
Công ty tài chính xoay xở ra sao?
Thực tế, nhu cầu tiền mặt để trang trải cuộc sống của người dân luôn rất cao và cho vay tiền mặt cũng là sản phẩm chủ lực của các công ty tài chính, bởi vậy việc bị siết lại hoạt động này theo quy định tại Thông tư 08/2019 không khỏi gây lo lắng, nhất là với những công ty tài chính “sinh sau, đẻ muộn” khi đều đang đẩy mạnh cho vay tiền mặt.
Đơn cử, Easy Credit có gói cho vay tiền mặt hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp từ 4 - 5 triệu đồng tháng. SHB Finance cũng cho ra mắt gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp ở cả kênh trực tuyến và trực tiếp. VietCredit thì phát hành Thẻ vay VietCredit cho phép rút tiền mặt theo hạn mức thẻ được cấp. Thậm chí, SeABank mua lại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF Vietnam) cũng bởi nhắm đến mục tiêu cho vay tiền mặt...
Không chỉ các “tân binh”, mà ngay cả những công ty tài chính có thâm niên hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam cũng muốn khai thác triệt để kênh cho vay tiền mặt béo bở này. Home Credit từng công bố con số tăng trưởng cho vay tiền mặt đến 80% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, song kể từ đó đến nay con số này luôn được giữ kín. FE Credit còn triển khai cả chương trình “tiền mặt nhanh”, giải ngân tiền mặt theo hạn mức thẻ tín dụng, phí rút tiền mặt chỉ 1% và miễn phí lãi suất lên đến 45 ngày...
Thực tế, dù cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng gay gắt, nhưng nhìn vào thị trường hiện nay, các công ty tài chính đã có tên tuổi như Home Credit, FE Credit, HD Saison… vẫn giữ vai trò chiếm lĩnh và có độ phủ rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thậm chí, mỗi điểm bán lẻ còn có đến 2-3 công ty tài chính cùng hoạt động để cho vay mua hàng trả góp.
Hiện nay, 3 ngân hàng niêm yết có công ty con/công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm VPBank (100% sở hữu tại FE Credit), HDBank (50% sở hữu tại HD Saison) và MB (50% sở hữu tại Mcredit). Thị phần của 3 công ty tài chính này vào cuối năm 2019 lần lượt là 55%, 17% và hơn 7%.
Theo cơ cấu danh mục cho vay, FE Credit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt, cụ thể là 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng ở dưới mức 70%.
Đánh giá mức độ tác động của Thông tư 08/2019 tới các công ty tài chính thuộc tốp đầu, SSI Research cho rằng, trong giai đoạn 2020-2021, tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2022-2024, công ty tài chính này có thể phải “hy sinh” phần nào hệ số NIM (biên lãi ròng) để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.
Với HDSaison, SSI Research nhìn nhận, công ty tài chính này sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn do cơ cấu cho vay khá cân bằng, trong đó tỷ lệ cho vay tiền mặt là 33%, xe máy là 43%, điện máy là 24%...
Còn tại Mcredit, SSI Research đánh giá, mặc dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay lên tới 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm của Mcredit sẽ dễ dàng hơn so với các CTTC lớn do quy mô hạn chế hơn.