Tín dụng ngân hàng đang tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng ngân hàng đang tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng tăng, vốn chảy vào đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng 8 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng 7,4%.

Dấu hiệu tích cực

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến cuối tháng 8/2021, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm nay. Dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo, nông sản, cây ăn quả và có thể là lĩnh vực thủy sản.

Trước đó, đến cuối tháng 6/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 9,78 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với so với cuối năm 2020. Các hoạt động dịch vụ khác là lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất, gần 38%, với hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Theo sau là lĩnh vực thương mại, chiếm 23% tổng dư nợ, với gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Tại một số ngân hàng, dư nợ tín dụng lĩnh vực thương mại tăng cao như MSB có mức tăng 35%, lên gần 13.790 tỷ đồng, VPBank tăng 21% lên 38.676 tỷ đồng. Trong khi đó, mức tăng tại MB, VietCapital Bank, TPBank… từ 6 - 12%.

Lĩnh vực công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dư nợ của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2021, với 19%, ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Tỷ trọng dư nợ các nhóm tiếp theo lần lượt là xây dựng, nông - lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 8 - 9% tổng dư nợ, thấp nhất là nhóm vận tải, viễn thông với 3%.

Tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại trong tháng 9, nhưng dự kiến sẽ tăng nhanh trong tháng 10, đặc biệt là 2 tháng cuối năm.

Kết quả Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của tổ chức tín dụng tháng 6/2021 được Vụ Dự báo Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng nhận định, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng năm nay và năm sau.

Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, tín dụng 7 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng gần 6% và tín dụng ngắn hạn chiếm 76,8% trong tổng dư nợ tín dụng.

Đáng chú ý, tín dụng chảy mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất nên dư nợ đến cuối tháng 7/2021 có mức tăng 11,7% so với cuối năm 2020, xuất phát từ hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp. Khoảng 4.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có quan hệ vay vốn với các ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Tính riêng tháng 7, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ngoại ở TP.HCM là 2,2%, cao nhất so với các nhóm ngân hàng thương mại khác.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu tăng 4%, nhập khẩu giảm 2,8%. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% và nhập khẩu tăng 11,1%.

Các số liệu trên cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị tác động bởi đại dịch Covid-19, tín dụng nhìn chung tăng trưởng khả quan và cơ cấu tín dụng có sự chuyển biến tích cực so với quý I (trong quý đầu năm, ngoài công nghiệp hỗ trợ có dư nợ tín dụng tăng cao hơn tốc độ chung thì các lĩnh vực ưu tiên khác tăng thấp hơn tốc độ chung).

Kịch bản tín dụng giai đoạn cuối năm

Tín dụng 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khả quan, bất chấp làn sóng Covid-19 thứ tư diễn biến phức tạp kể từ tháng 5, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tăng trưởng tín dụng tháng 8 chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong thời gian dài. Ngân hàng Nhà nước dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10, nhất là 2 tháng cuối năm, vốn là mùa cao điểm kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh đánh giá, tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong 7 tháng đầu năm 2021 tăng 5,8%, đây là mức tăng trưởng khá nếu đặt trong bối cảnh đại dịch và so sánh với cùng kỳ năm trước (chỉ tăng 3,3%). Tuy nhiên, xét diễn biến tăng trưởng tín dụng từng tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong tháng 6 và 7/2021. Một số ngân hàng thương mại có tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7, do ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp gặp khó khăn và tổng cầu của nền kinh tế giảm. Vì thế, không ít ngân hàng gần đây đã giảm lãi vay từ 0,5 - 2%/năm.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng chậm lại. Dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7% trong quý III, cả năm 2021 tăng 13,1%, thấp hơn so với dự báo tăng 14,7% trước đó.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận định, với tình hình dịch bệnh khó lường, lực cầu nền kinh tế còn yếu, tín dụng năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 11%.

Nhận định này tương đồng với kịch bản thứ hai mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng từ đầu năm. Cụ thể, ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc-xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc-xin kéo dài, tín dụng tăng 10 - 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng từ 7 - 8%.

Tổng giám đốc Viet Capital Bank, ông Ngô Quang Trung cho hay, tác động khó lường của dịch bệnh khiến rủi ro tín dụng gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới, về lâu dài, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay, vì vậy ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ, tăng dự phòng rủi ro. Để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên yêu cầu trích lập dự phòng trong 3 năm tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, chứ không nới thời gian trích lập dự phòng lên 5 năm đối với khoản nợ tái cơ cấu như đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng. Cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, đồng thời khuyến khích ngân hàng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước dự báo, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống có khả năng sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/2/2021 (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống khoảng 2 - 3%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 4 - 4,5%).

Tin bài liên quan