Tín dụng tăng, đẩy lợi nhuận quý 1 ngân hàng lên cao

Tín dụng tăng, đẩy lợi nhuận quý 1 ngân hàng lên cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông thường mọi năm, tín dụng tăng chậm trong quý I, song năm nay lại bật tăng mạnh ngay từ đầu năm, giúp nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong quý I/2021 và đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng cho năm 2021.

Tín dụng tăng

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%).

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,47%, cao hơn con số cùng kỳ năm trước (0,68%) nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch vào cùng kỳ năm 2019 là 1,9%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%).

Riêng tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, ước đến hết quý I/2021, tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng khoảng 1,8% so với đầu năm nay.

Theo lãnh đạo một số nhà băng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cả năm 2021 có thể đạt khoảng 12%. Ngay quý đầu năm, nhiều ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng cao.

Cụ thể, cho vay khách hàng của SeABank đến cuối tháng 3/2021 tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%.

Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7% đạt 124.277 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% đạt 122.978 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm, tín dụng SeABank đã cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng đưa ra cho cả năm 2021.

Tương tự, dư nợ tín dụng quý I/2021 của HDBank tăng khoảng 5,2%. Trong năm 2020, tín dụng HDBank tăng 23% và kế hoạch năm 2021 dự kiến tăng 26%; huy động vốn tăng 25%.

Trong khi đó, MB cho biết, tín dụng của ngân hàng trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng tốt và đồng đều ở các khu vực. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ tại thời điểm cuối quý I khoảng 1,14%, thấp hơn nhiều so với mức 1,46% cùng kỳ. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tiếp tục duy trì mức cao gần 150% (tức là 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 150 đồng). Năm 2021, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 10 - 11% so với năm 2020.

Tại ACB, tín dụng đến hết tháng 3/2021 đạt 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,1%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động của ACB trong năm 2021 đều ở mức 9%.

Theo lãnh đạo ACB, nhu cầu tín dụng năm 2021 sẽ tăng cao hơn so với năm 2020, do sản xuất kinh doanh phục hồi, nhất là lĩnh vực sản xuất.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, tín dụng Vietcombank đã tăng 3,69%, mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chắc chắn vượt 10%.

Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi đa số các ngân hàng khác đều trên 90%.

Với kết quả tăng tín dụng 3 tháng đầu năm, ông Thành tự tin cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14%.

Năm 2021, VietinBank cũng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 6 - 12%; nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến 8 - 12%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng kiểm soát không quá 2%.

... đẩy lợi nhuận lên cao

Dự báo mức tín dụng tăng trưởng cao chính là lý do các ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận lớn trong năm 2021. Chẳng hạn, mục tiêu lợi nhuận của BIDV năm 2021 tăng hơn 40% so với năm 2020, SHB thậm chí còn đặt mục tiêu tăng trưởng 70%, Eximbank tăng hơn 60%.

Tương tự, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 25%, Vietcombank 25.000 tỷ đồng, MB đưa ra mục tiêu lợi nhuận 13.200 tỷ đồng năm nay.

ACB cũng lên kế hoạch lãi 10.600 tỷ đồng, tăng 10,5%, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 30%, đạt mức 7.500 tỷ đồng, Sacombank đưa ra mục tiêu 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2021, tăng 20%, HDBank dự kiến lãi 7.600 tỷ đồng, tăng 31%, hay SeABank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2021 ở mức 2.414 tỷ đồng trước thuế, tăng 40% so với năm 2020...

Với con số tăng trưởng tín dụng ấn tượng, ngay trong quý I, nhiều nhà băng đã công bố số con số lợi nhuận lớn. Cụ thể, Vietcombank báo lãi 7.000 tỷ đồng trước thuế, Vietinbank đạt 7.500 tỷ đồng trước thuế.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, ACB báo lãi 3.105 tỷ đồng trong quý I/2021, với HDBank là hơn 2.000 tỷ đồng, MB đạt 4.570 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ; SeaBank đạt 689 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Các chuyên gia phân tích của SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu tăng từ 55 - 65% so cùng kỳ.

Trong đó, ngân hàng thương mại quốc doanh khả năng đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề.

Dù thấp hơn, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ. Một phần đến từ lãi suất huy động giảm, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào.

Theo các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong năm 2021 có thể đạt khoảng 12%. Tuy nhiên, việc quản trị điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa đảm bảo thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là một vấn đề mà các ngân hàng sẽ phải đối diện thường xuyên hơn trong năm 2021.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12 - 13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà.

Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10 - 12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine.

Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7 - 8%.

Tuy nhiên, theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước, kịch bản 3 - với mức tăng trưởng tín dụng bị siết ở mức tối đa 8% - là kịch bản vừa được lựa chọn trong bối cảnh hiện tại.

Việc chọn mức tăng trưởng tín dụng 8% cho năm nay cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính chỉ ra mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức trên 12% bởi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19.

Từ đó, các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. Các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5 - 9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%.

Tin bài liên quan