Tín dụng ngoại tệ tăng là dấu hiệu đáng mừng!

Tín dụng ngoại tệ tăng là dấu hiệu đáng mừng!

Huy động ngoại tệ tăng trưởng âm, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng tới 10% trong 6 tháng đầu năm, khiến nhiều người băn khoăn về thanh khoản ngoại tệ.

Mối lo thanh khoản

Trong khi tín dụng tiền đồng đang bế tắc, thì tín dụng ngoại tệ lại tăng rất mạnh. Tính đến giữa tháng 6/2014, tín dụng ngoại tệ tăng tới 10%, trong khi huy động tiền gửi ngoại tệ tăng trưởng âm. So với tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ âm 16,53% năm 2013, thì đây là con số rất đáng chú ý.

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn ngoại tệ đang gần đạt tới mức 100%, thay vì chỉ hơn 80% trước đó.

Lý do khiến tín dụng ngoại tệ bật tăng mạnh là do lãi suất ngoại tệ rẻ hơn lãi suất tiền đồng tới 4 - 5%. Thêm vào đó, theo TS. Cấn Văn Lực, xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan, trong khi sản xuất chậm phục hồi. Vì vậy, nhu cầu vay ngoại tệ (để nhập nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu) tăng mạnh hơn tiền đồng cũng là dễ hiểu.

Thời gian qua, với việc giữ lãi suất huy động USD ở mức rất thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào được lượng ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, tác dụng phụ của biện pháp này là tín dụng ngoại tệ tăng mạnh. Từ nay đến cuối năm, ngay cả khi tỷ giá có tăng thêm 1%, thì chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng vẫn rất hấp dẫn với doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, các ngân hàng sẽ cho vay vượt quá khả năng huy động của mình và rủi ro thanh khoản ngoại tệ sẽ gia tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Hơn nữa, tín dụng ngoại tệ tăng trở lại cũng đồng nghĩa với đô-la hóa nền kinh tế có dấu hiệu tăng lên.

Điều đáng lo là, dù tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu bất ổn, song dù muốn ngăn dòng tín dụng ngoại tệ chậm lại, thì NHNN cũng rất khó tìm được giải pháp hợp lý. Cụ thể, để hạn chế tín dụng ngoại tệ, lãi suất tiền đồng phải giảm tiếp. Tuy nhiên, nếu hạ lãi suất tiền đồng, ngân hàng sẽ đứng trước 2 rủi ro: người dân không gửi tiền vào ngân hàng, mà đầu tư vào vàng, USD; việc hạ sâu lãi suất sẽ khó được các ngân hàng ủng hộ, vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Không lo thiếu ngoại tệ

Trái ngược với những lo lắng khi tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trở lại, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc tín dụng ngoại tệ tăng 10% trong 6 tháng đầu năm không đáng lo.

“Trong bối cảnh tín dụng tiền đồng không tăng thì tín dụng ngoại tệ tăng là dấu hiệu đáng mừng, bởi hiện nay, kinh tế vẫn phục hồi rất chật vật”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, thanh khoản ngoại tệ không đáng ngại, vì các ngân hàng đang duy trì trạng thái ngoại tệ âm.

“Trạng thái ngoại tệ âm nghĩa là các ngân hàng thương mại đã chủ động duy trì trạng thái ngoại tệ thấp hơn mức cho phép của NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng không lo ngại về việc thiếu ngoại tệ trong tương lai, không cần cất trữ, để dành”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dù tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, nhưng tỷ trọng cho vay ngoại tệ trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 12 - 13%, nên dù có tăng 10% thì tín dụng ngoại tệ vẫn chưa phải là vấn đề đáng ngại.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, nguy cơ ngân hàng chạy theo cho vay ngoại tệ để xảy ra rủi ro thanh khoản là khó xảy ra, bởi bản thân các ngân hàng tự biết bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, hiện NHNN đang quyết liệt thực hiện chủ trương chống đô-la hóa, thu hẹp đối tượng vay USD, chuyển mạnh quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ…, nên việc tăng mạnh tín dụng ngoại tệ hơn nữa là không dễ.

Một lãnh đạo NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, chưa đến mức lo ngại.

Tin bài liên quan