Nợ xấu tiềm ẩn đang tăng và lợi nhuận ngành ngân hàng chịu áp lực giảm. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu tiềm ẩn đang tăng và lợi nhuận ngành ngân hàng chịu áp lực giảm. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng khó tăng dù vốn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng đang đặt kỳ vọng đẩy tín dụng nếu gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng (tương đương dư nợ 100.000 tỷ đồng) được thông qua, nhưng sức hấp thụ của doanh nghiệp lại là rào cản.

“Bơm” oxy cho doanh nghiệp

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, đồng hành với khách hàng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh, phục hồi mạnh mẽ sau thời gian gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 5 - 6%/năm dành cho doanh nghiệp.

Tương tự, Sacombank đang áp dụng giảm khung lãi vay đến 1%/năm cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, lãi vay ngắn hạn giảm còn 4%/năm. 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank tiếp tục cam kết dành gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay.

Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) thực hiện giảm lãi vay cho khách hàng từ ngày 15/7 đến cuối tháng 9 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% tổng giá trị cam kết.

Đáng chú ý, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Lãi suất dự kiến trong khoảng 3 - 4%/năm. Dự kiến, cơ quan quản lý sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho các ngân hàng.

Dư nợ toàn nền kinh đi ngang trong tháng 9 và đầu tháng 10/2021.

HDBank và một số ngân hàng khác đang xin nới room lên mức 25% để có thêm dư địa cho vay trong mùa cao điểm cuối năm. Trước đó, trong quý III/2021, một loạt ngân hàng đã được nới room tín dụng, cao nhất là TPBank và Techcombank, với mức nới lên lần lượt là 17,4% và 17%. Nhiều ngân hàng khác được nới room lên 13 - 16% như ACB, MBBank, VIB, LienVietPostBank..., tùy thuộc sức khỏe và mức độ rủi ro, hỗ trợ lãi vay của từng nhà băng.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Một trong các biện pháp chính là tăng room để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự kiến chỉ giảm nhẹ trong tháng cuối năm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng tính đến 7/10/2021 tăng 7,42% so với đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%), nhưng chỉ tương đương mức cuối tháng 8/2021. Trước đó, tính đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Như vậy, dư nợ toàn nền kinh đi ngang trong tháng 9 và đầu tháng 10/2021.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế dự báo, tín dụng sẽ tăng trong hai tháng cuối năm 2021. Tăng trưởng tín dụng cả năm ước đạt 12% nên hiện còn gần 5% dư địa để điều tiết tín dụng.

Theo lý giải của ông Tuấn Anh, mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vay vốn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng room cho các ngân hàng đủ điều kiện, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tín dụng khó tăng cao

Mặc dù các nhà băng đã giảm lãi suất cho vay khiến biên lãi ròng (NIM) dần thu hẹp, song phía doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi vay giảm thêm để có thể vượt qua khó khăn bởi đại dịch.

Bà Liên Anh, chủ một doanh nghiệp da giày tại Bình Dương cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu nên doanh nghiệp đã được ngân hàng điều chỉnh giảm lãi vay từ 0,7 - 1%/năm. Tuy nhiên, để có thể vực dậy hoạt động và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này, ngân hàng cần giảm thêm lãi suất.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực trả lãi vay, chứ chưa nói đến trả nợ gốc. Nguồn tài chính được ví như oxy giúp doanh nghiệp tái phục hồi sau dịch, song không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng vay vốn mới, mà chỉ mong giảm lãi cũ.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ở mức cao, nên chênh lệch giữa hai loại lãi suất này tại không ít ngân hàng gia tăng. Những năm trước đây, trong điều kiện bình thường, chênh lệch lãi suất khoảng 3 - 4%/năm, nhưng thời gian qua, ở một số ngân hàng, mức chênh lệch lên đến 5 - 6%/năm. Ngân hàng cho rằng, cho vay hiện nay đối mặt với rủi ro nên phải trích lập dự phòng rủi ro lớn do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau dự phòng của ngành ngân hàng trong năm qua và nửa đầu năm nay vẫn cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng lý giải, các ngân hàng đều muốn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng dư địa giảm thêm hiện nay còn rất ít. Muốn giảm lãi vay thì ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang giảm nên việc giảm thêm lãi suất gặp khó khăn. Mặt khác, để giải ngân vốn, doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, có dự án tốt, có tài sản bảo đảm và phải là khách hàng lâu năm nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Song với nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như du lịch, tài sản bảo đảm không còn, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Đây là lý do khiến tín dụng khó tăng cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, lãi vay hiện chưa đạt kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng nếu không có gói hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng khó giảm tiếp lãi vay. Các nhà băng cũng muốn cho vay nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng không thể hạ chuẩn cho vay.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp nên khó có thể giảm thêm, nhiều khả năng sẽ duy trì quanh mức hiện tại cho đến cuối năm, trong bối cảnh rủi ro lạm phát trong một vài quý tới là hiện hữu và chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước tương đối thận trọng. Trên thực tế, mức lãi suất thấp đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

Theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 4,28% (cùng kỳ năm ngoái tăng 7,48%). KBSV cho rằng, nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý IV/2021, nhưng sẽ khó bật tăng như các năm trước do tác động kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm có thể chỉ đạt 10%.

Trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng dự báo, tín dụng sẽ tăng 4% trong quý cuối năm và cả năm 2021 tăng 12,3%, thấp hơn mức dự báo tại kỳ điều tra trước đó là tăng 13,1%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, kinh tế sẽ phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Vì thế, tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng nhanh, lợi nhuận ngân hàng chịu áp lực giảm.

Tin bài liên quan