Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tín dụng đen, những câu hỏi dễ nhưng… đầy suy nghĩ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khác với nhiều sự kiện, tại hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức, hội trường không còn ghế trống cả tầng 1 và tầng 2 bởi sự xuất hiện những khách mời đặc biệt là những người dân ngay tại địa phương.

Ông Đinh Quang Mậu, Khu 13, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy đặt câu hỏi, nếu chúng tôi có nhu cầu cần tiền gấp, như cưới con, đau ốm, bệnh tật… thì có gói vay vốn nào thủ tục nhanh và sau bao lâu thì vay được vốn?

Còn ông Đinh Phú Chinh, Khu 13, thị trấn Chi Nê đặt câu hỏi: “Để tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình, gói tín dụng ưu đãi hiện nay cũng như các thủ tục vay vốn, thì chúng tôi phải tìm hiểu ở đâu?”

Liên quan đến vấn đề “sát sườn”, bà Cao Thị Kim, khu 8, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy đặt vấn đề: “Nếu tôi vay “nóng” của bạn, người quen với lãi suất cao vừa vừa (cao hơn lãi suất ngân hàng) có được coi là tín dụng đen không? Và nếu vay thì có bị phạt không? Mức phạt sẽ như thế nào?"

Đối với bà Nguyễn Thị Bình, khu 10 thị trấn Chi Nê, Lạc Thủy mối quan tâm là: “Việc vay qua app/ứng dụng trên máy tính, điện thoại rất thuận lợi cho người dân chúng tôi, rất nhanh. Việc vay này có bị coi là “tín dụng đen” không?"

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Hoà Bình cho biết: “Những vấn đề bà con đặt ra là cho vay tiêu dùng. Sản phẩm này cho vay tối đa khi con, đau ốm bệnh tật, cưới xin, gửi tiền cho con… có hạn mức tới 30 triệu với phương thức thấu chi, phát hành thẻ tín dụng. Trước đây thủ tục sẽ mất khoảng 5-7 ngày nhưng hiện nay các hồ sơ đã rất đơn giản với chính quyền xác nhận về thu nhập, nhu cầu… thì giải ngân của Agribank trong vòng 1 ngày. Agribank có 29 điểm giao dịch trên toàn tỉnh Hoà Bình và ngay tại huyện Lạc Thuỷ có triển khai xe lưu động như một ngân hàng thu nhỏ. Agribank cam kết không bao giờ để bà con thiếu vốn”, ông Thắng nói.

Về vấn đề tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình, gói tín dụng ưu đãi hiện nay cũng như các thủ tục vay vốn ở đâu, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN Việt Nam hướng dẫn: “Người dân có thể vay tại các ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội; ngân hàng thương mại cổ phần như SHB và thậm chí cả các ngân hàng nước ngoài”.

Trung tá Ngô Hồng Vương, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, lãi suất cho vay vượt quá quy định của pháp luật trên 20%/năm bên cạnh đó là thu hồi nợ thường gắn với hành vi vi phạm pháp luật là hai yếu tố có thể được nhận diện là tín dụng đen.

Đối với việc vay qua app, Trung tá Vương cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong cuộc sống hiện rất phổ biến, trong đó có tài chính-ngân hàng.

“Nếu không phát sinh ra các vấn đề phức tạp liên quan đến chậm trả nợ, thuê các đối tượng xã hội đen thu hồi nợ trái pháp luật… thì khi đó chưa được coi là tín dụng đen. Nhưng, bà con nên tìm hiểu thật kỹ khi vay qua các app”, ông Vương khuyến cáo.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Tín dụng đen, cần chủ động phòng là chính",

Trước các câu hỏi của người dân, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, vay vốn phục vụ nhu cầu đột xuất là chính đáng của người dân được Đảng, Nhà nước, Chính quyền, NHNN quan tâm. Bà con khi có ý định vay vốn hãy chủ động đến ngân hàng gần nhất nơi mình sinh sống để hỏi về cách thức, lãi suất… thay vì để tín dụng đen chủ động tìm mình. Tất cả các TCTD cần tăng cường truyền thông bằng tờ rơi, áp phích hay thông qua các cấp chính quyền về sản phẩm tín dụng tiêu dùng để bà con biết vừa là sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực, ngân hàng vừa sẽ có nhiều khách hàng hơn.

“Hệ thống ngân hàng dứt khoát sẽ đảm bảo thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng khi có mục đích vay chính đáng”, Phó Thống đốc Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc kỳ vọng, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.

Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.

Theo đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen".

Đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Tin bài liên quan