Chi phí vốn giảm
Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) Đặng Văn Thành chia sẻ, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt trở lại, nhưng thị trường chưa hết khó khăn trong “giai đoạn bình thướng mới” này, nên việc giảm lãi suất của ngành ngân hàng là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp.
Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động, thậm chí đóng cửa, song tình hình đang dần được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu tái mở rộng sản xuất - kinh doanh và vốn vay ngân hàng vẫn là nguồn hỗ trợ chính.
Trong khi đó, để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc bằng việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, miễn giảm lãi vay... Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, còn nếu trong vòng một năm qua là lần điều chỉnh thứ 4, kéo mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5-2 điểm phần trăm, tạo nguồn vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều nhóm ngành như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị... cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ trong quý III vừa qua. Hoạt động sản xuất công nghiệp tuy phục hồi chậm, nhưng được dự báo sẽ tích cực hơn trong quý IV này nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và toàn cầu được cải thiện. Chỉ báo về hoạt động sản xuất - PMI theo đó đã tăng trở lại trong tháng 9, lên mức 52,2 điểm, thay vì mức 45,7 điểm trong tháng 8.
SSI Research - Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tương đương có khoảng 150.000-320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi sẽ còn chịu áp lực giảm thêm 10-30 điểm cơ bản trong quý cuối năm nay nhờ thanh khoản dồi dào, từ đó tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng áp dụng dao động từ 7-8%/năm, trung và dài hạn từ 9-11%/năm; 5 lĩnh vực ưu tiên lãi suất theo quy định giảm về 4,5%/năm từ mức 5%/năm trước đó.
Tín dụng cũng cải thiện dần
Mặt bằng lãi suất thấp cùng một loạt tín hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô được nhận định sẽ tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng quý cuối năm. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, cầu vốn của khách hàng bắt đầu tăng trở lại và lãi suất giảm sẽ là yếu tố chính tác động tích cực lên hoạt động tín dụng những tháng còn lại của năm.
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7 và tính đến 30/9/2020 đạt mức 6,09%, tăng rất nhanh kể từ mức chỉ 4,81% được công bố ngày 16/9/2020
“Quý IV luôn là mùa kinh doanh cao điểm, khi người dân gia tăng mua sắm dịp lễ tết, còn doanh nghiệp thì tăng cung cấp dịch vụ, hàng hóa để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng. Với Viet Capital Bank, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hiện còn lại khoảng 8% (tổng hạn mức được cấp là 17%), đủ để cung ứng vốn ra thị trường”, ông Trung nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, tín dụng đang dần lấy lại đà đi lên từ quý III sau 2 quý đầu năm tăng chậm. Để đón đầu cầu vốn tín dụng tăng cuối năm, Sacombank đã sớm trình Ngân hàng Nhà nước xin nâng room tín dụng lên mức 13,5% để có thêm dư địa đẩy mạnh cho vay quý cuối năm (9 tháng đầu năm, tín dụng nhà băng này tăng 9%) .
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM đánh giá, lãi suất giảm dần là điều kiện tích cực để kích cầu tín dụng những tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm kinh doanh cao điểm nhất trong năm nên nhiều khả năng cầu tín dụng sẽ cải thiện mạnh so với các tháng trước đó, cho dù còn chịu tác động của Covid-19.
Chia sẻ về mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố, ông Minh cho biết, 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 5%, tức tăng khoảng 1,3% (tín dụng 8 tháng đầu năm đạt 3,68%) và cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,4% của tháng 8.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7 và tính đến 30/9/2020 đạt mức 6,09%. Con số này tuy không cao bằng cùng kỳ 2019 (đạt 9,4%), nhưng đã tăng rất nhanh kể từ mức chỉ 4,81% được công bố ngày 16/9/2020 cho thấy cầu vốn trên thị trường đã bật tăng trở lại.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 ở trên mức 9% là khả thi. Theo ông Tú, diễn biến tín dụng tháng 9 cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, từ đó thể hiện sức hồi phục khả quan của nền kinh tế.
“Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn do tác động của dịch bệnh, song các doanh nghiệp đang cho thấy sự chuyển biến tích cực và linh hoạt khi sẵn sàng tiếp cận các khoản vay mới nhờ được các tổ chức tín dụng giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ cũ. Trong 3 tháng còn lại của năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu thị trường phục hồi trong quý IV/2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-10% là khả thi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021.
Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin rằng, với các giải pháp phù hợp, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng thêm 1%/tháng để đạt mức tăng từ 9% trong năm nay.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ bật tăng trong những tháng cuối năm, nhưng không hẳn nhà băng nào tín dụng cũng sẽ tăng cao, mà có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng, một phần do phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, xử lý nợ xấu, tất toán trái phiếu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Chẳng hạn, tại Eximbank, dư nợ cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng này âm tới gần 9%, xuống mức 103.529 tỷ đồng. Hay như Saigonbank, tín dụng cũng giảm gần 3% sau nửa đầu năm nay... Tương tự, những nhà băng có dư nợ tăng trưởng thấp chỉ khoảng 1% trong nửa đầu năm như SeABank, VietinBank... cũng sẽ khó bứt phá trong nửa cuối năm
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng đang nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh vốn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng với lãi vay ưu đãi theo hướng giảm dần, mà vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.