Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng riêng trong quý II/2018 đã có xu hướng chậm lại so với quý trước đó với mức tăng chỉ 2,85%. Diễn biến này cho thấy, chủ trương điều hành tín dụng chặt chẽ của NHNN, đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, giao thông đã phát huy tác dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 17%, giảm so với mức 18,2% năm 2017.
Tuy tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại, nhưng theo kết quả khảo sát của NHNN, 88% nhà băng vẫn kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống cũng được dự báo sẽ tăng bình quân 19,05% trong năm 2018, cao hơn so với mức kỳ vọng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra quý I. Để làm được điều này, các ngân hàng đang tìm cách đẩy vốn ra thị trường, không loại trừ lĩnh vực bất động sản, vốn đang có chủ trương siết chặt.
Số liệu từ NHNN cho biết, tỷ trọng cho vay bất động sản đang chiếm gần 7% tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ trọng dư nợ thực cho vay bất động sản ước tính lên tới 20%. Đây là con số quá lớn, bởi trên thế giới, mức lớn nhất chỉ vào khoảng 8 - 10%.
Hiện tại, theo quy định của NHNN, tín dụng bất động sản là các khoản vay ngân hàng với mục đích đầu tư bất động sản và sinh lợi trên bất động sản được vay. Như vậy, các trường hợp vay vốn mua bất động sản, nhưng không phục vụ mục đích đầu tư cho thuê, không bán đi mà tích lũy sẽ được xếp vào tín dụng tiêu dùng, đồng thời chỉ chịu hệ số rủi ro 100% của tín dụng tiêu dùng.
Đây là lý do vì sao tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phải đưa ra cảnh báo, dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng gần 50%, nhưng phần lớn chảy vào bất động sản qua việc vay mua nhà.
Với diễn biến này, ông Hiếu cho rằng, số liệu thống kê cho vay bất động sản từ 7,5 - 8% tổng dư nợ là không chính xác. Nếu cộng cả các khoản cho vay mua nhà, sửa nhà mà không dựa trên mục đích kiếm lời thì tỷ lệ phải lên đến 20%. Tính đến nay, tổng dư nợ nền kinh tế vào khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, nếu tỷ trọng cho vay bất động sản là 20% tổng dư nợ, thì con số tuyệt đối cho vay lĩnh vực này là khoảng 1,36 triệu tỷ đồng.
“Trong thời gian qua, nếu tính cả cho vay bất động sản, chứng khoán, tỷ trọng tín dụng 2 lĩnh vực này không dưới 1/3 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, tỷ trọng cho vay bất động sản thực chất dao động từ 14 - 16% tổng dư nợ tín dụng. Con số này xuất phát từ việc tỷ trọng cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng đang dao động ở mức 16 - 17%, nhưng hơn một nửa số này chảy vào bất động sản.
Về vấn đề này, với tinh thần quyết tâm siết tín dụng vào lĩnh vực nhạy cảm, hệ số rủi ro cho vay bất động sản đã được nâng từ 150% lên 200% vào đầu năm 2018 và sẽ nâng lên 250% đầu năm 2019. Đồng thời, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn bị siết mạnh từ 60% xuống còn 50% đầu năm nay và xuống còn 40% vào đầu năm 2019 theo quy định của Thông tư 06/2017/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, NHNN đã đưa ra đề án lớn về việc giám sát lại cho vay tiêu dùng, thống kê và tách cho vay bất động sản đang ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng, buộc một số ngân hàng thương mại phải thực hiện chính sách siết tín dụng vào bất động sản “đến nơi đến chốn”, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của NHNN, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đang tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, tháng 3/2018 tăng 3,65% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 6,57% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,34%; tỷ trọng 6,8%). Tín dụng tiêu dùng đến tháng 3/2018 tăng 3,8% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 17,42% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,73%, chiếm tỷ trọng 14,92%). Tín dụng đối với các dự án BOT, BT tháng 12/2017 tăng 13,76% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 1,57% (cùng kỳ năm 2016 tăng 17,01% và chiếm tỷ trọng 1,67%).