Những nỗ lực ban đầu
Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8/2014, ngành thuế đã rà soát 39.637 doanh nghiệp, phát hiện 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, ngành thuế đã truy thu 1.317,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.
Năm 2015, ngành thuế tập trung vào 15-20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá trong tổng số các doanh nghiệp kiểm tra. Tháng 4/2015, hành vi chuyển giá của Công ty THHH Metro Cash&Carry Việt Nam đã được công khai sau 12 năm công ty này khai lỗ hơn 1.657 tỷ đồng và không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, dù trong 9 năm (2003-2011), cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra 4 lần với kết quả giảm lỗ 500,4 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2011.
Nhiều cơ quan thuế địa phương, nhất là ở phía Nam, đã năng nổ, chủ động tiến hành theo dõi, đối thoại và đấu tranh với các doanh nghiệp nghi có chuyển giá.
Mạnh tay với chuyển giá
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/5/2017.
Theo nghị định này, cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách; thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách; thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định. Người nộp thuế có nghĩa vụ chuẩn bị hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết ở 3 cấp độ: Hồ sơ toàn cầu, hồ sơ quốc gia và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Đối với công ty mẹ tối cao mà trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên, có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và gửi cho cơ quan thuế.
Đề cập đến các giải pháp chống chuyển giá, có thể xem xét thêm nhiều giải pháp. Về trung hạn, Việt Nam có thể xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để mức này của Việt Nam không quá chênh lệch với thuế suất của các nước trong khu vực, cũng như giữa các địa phương trong nước, giúp giảm thiểu động cơ chuyển giá gắn với khai thác chênh lệch mức thuế giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, cần bổ sung và nâng cấp các quy định về các chế tài thưởng phạt rõ ràng, toàn diện và nghiêm khắc hơn về các hành vi chuyển giá, đủ sức mạnh ngăn đe và có tính khả thi, hiệu lực thực tế.
Từ kinh nghiệm các nước khu vực, Việt Nam có thể xem xét nâng số tiền phạt cho hành vi chuyển giá bằng 50% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp; phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác; bổ sung các khoản phạt khi không khai báo về giá thị trường đúng hạn. Ngoài khoản phạt phải chịu lãi suất 20%/năm, các công ty trả thuế được yêu cầu tính trước thu nhập chịu thuế 1 năm…
Một công cụ chống chuyển giá hữu hiệu trên thế giới là quyền xác định giá, thương thảo giá trước. Phương thức này được đánh giá là có hiệu quả và đang được hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định.
Cũng cần tăng cường quyền ấn định thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động giao dịch liên kết chuyển giá; đồng thời bổ sung quy phạm pháp luật về điều chỉnh đối với các dự án đang hoạt động kinh doanh có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu. Quy định lại các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế trên thị trường.
Ngoài ra, cần xây dựng văn bản quy định về việc quản lý, định giá đối với trường hợp các dự án đầu tư góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị và một số khoản chi phí đặc biệt khác như chi thuê quản lý nước ngoài, chi sử dụng vốn vay của tổ chức nước ngoài.
Hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết không chỉ đơn thuần là việc điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế, mà còn bao gồm cả chiều ngược lại, giúp công ty mẹ thu hồi vốn nhanh, hoặc chuyển lợi nhuận để thực hiện chiến lược kinh doanh đã được công ty mẹ xây dựng.
Do vậy, cơ quan thuế cần xây dựng tiêu chí để đánh giá mức độ chuyển giá đối với các trường hợp chuyển lợi nhuận theo chiều ngược lại. Đặc biệt, cần linh hoạt kéo dài thời gian thanh tra nhằm đủ thời gian cần thiết đối phó với những thủ thuật chuyển giá của những doanh nghiệp có nhiều mánh khóe, thủ thuật chuyển giá.
Báo cáo chống chuyển giá: Một công cụ hữu hiệu
Đây là bộ hồ sơ do doanh nghiệp có giao dịch liên kết tự lập, từ cấu trúc tập đoàn, sơ đồ tổ chức của công ty, cho đến chi tiết các giao dịch, phát sinh với bên liên kết trong giai đoạn báo cáo. Đặc biệt, trong báo cáo chống chuyển giá phải có thông tin giao dịch tương tự các bên độc lập. Nếu không có nguồn gốc chính xác và độ tin cậy của các thông tin được dẫn chứng, cơ quan thuế có quyền ấn định ngay tỷ suất lợi nhuận trong kỳ.
Giao dịch chính cần trình bày trên báo cáo chống chuyển giá gồm: Chuyển giá thông qua chuyển giao nguyên liệu, hàng hóa, thành phẩm, tài sản cố định hữu hình; giao dịch chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình; chuyển giá thông qua cung ứng dịch vụ, thường phát sinh với công ty tư vấn kế toán, luật, thuế, tài chính, công nghệ thông tin; giao dịch chuyển giá thông qua hoạt động tín dụng.
Cần đặc biệt quan tâm đến chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình gồm:
Chuyển giao đối với tài sản vô hình hình thành từ hoạt động nghiên cứu phát triển và hoạt động marketing: Thường phát sinh trong các công ty có sử dụng đến bí quyết sản xuất kinh doanh, có chuyển giao bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh giữa các bên liên kết.
Chuyển giao tài sản vô hình liên quan đến mạng lưới bán hàng toàn cầu và bí quyết quản lý chất lượng sản phẩm: Thường phát sinh đối với các công ty sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm… có sử dụng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa.
Chuyển giao tài sản vô hình là những bí quyết sản xuất kinh doanh: Thường phát sinh với các dự án xây dựng công trình lớn trang bị máy móc kỹ thuật cao, thời gian thực hiện dài.
Chuyển giao quyền sáng chế: Thường phát sinh đối với công ty sản xuất máy móc, thiết bị xe cơ giới, sản phẩm điện tử.
Phân chia chi phí hình thành tài sản vô hình: Thường phát sinh với công ty sản xuất đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tỷ trọng chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm thấp, sản phẩm nhanh bị lỗi thời, cần nhiều chi phí đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới (sản xuất sản phẩm điện tử, ô-tô...).
Chuyển giao tài sản vô hình thông qua việc phái cử nhân viên: Thường phát sinh với công ty đòi hỏi nhân viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, kể cả đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên bên liên kết.
Tóm lại, để đấu tranh chống chuyển giá ngày càng có hiệu quả, cần phải nghiêm túc xem xét, đánh giá đúng tính chất của vấn đề, với quan điểm tiếp cận và lộ trình giải pháp thích hợp để hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, giữ cạnh tranh thị trường lành mạnh, hạn chế khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư và môi trường đầu tư.