Dây chuyền sản xuất của Nhựa An Phát Xanh - công ty con của Tập đoàn An Phát. Ảnh: Đức Thanh

Dây chuyền sản xuất của Nhựa An Phát Xanh - công ty con của Tập đoàn An Phát. Ảnh: Đức Thanh

Tìm nguồn tiền mới qua phát hành cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Đang xuất hiện một làn sóng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông/nhà đầu tư mới.

Nhộn nhịp kế hoạch tăng vốn mới

Cuối tuần qua, có tới hai doanh nghiệp niêm yết là Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát và Công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai cùng tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường với cùng nội dung lớn được trình là hoạt động phát hành cổ phiếu. Giá trị huy động dự kiến của mỗi doanh nghiệp lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng và đều là nguồn tiền mới từ cổ đông, thay vì sử dụng chính nguồn vốn chủ sở hữu, chia tách cổ phiếu.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát đã được chấp thuận phát hành 55,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 100:40 để mua cổ phiếu AAA của công ty con - Nhựa An Phát Xanh qua giao dịch trên sàn và/hoặc mua cổ phiếu phát hành thêm. Theo lãnh đạo Tập đoàn An Phát, việc nâng sở hữu tại công ty thành viên là cần thiết để gia tăng giá trị lợi nhuận đóng góp cho Tập đoàn. Từ năm 2021, đây sẽ là công ty nòng cốt tiêu thụ ít nhất 2/3 sản lượng nguyên liệu xanh do Tập đoàn sản xuất. Việc tự chủ nguyên liệu dự kiến sẽ cải thiện biên lợi nhuận đáng kể cho công ty con này.

Còn Công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã trình và được cổ đông chấp thuận thực hiện đợt chào bán gần 741,5 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Ngoài dành 5.500 tỷ đồng để hoán đổi nợ, HAGL Agrico còn có nguồn tiền mới 1.915 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động. Chia sẻ với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, do HAGL Agrico còn lỗ lũy kế, nên đây là cách duy nhất để giải quyết nhu cầu vốn cấp thiết và thực hiện chiến lược sản xuất - kinh doanh đến năm 2023.

Thực tế, chỉ còn hơn 4 tháng nữa là các doanh nghiệp tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, hai tổ chức trên quyết định trình và xin ý kiến cổ đông thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu ngay trong những ngày đầu năm.

Thị trường cổ phiếu sơ cấp đang ấm lên

Một con số đáng mừng đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra trong buổi khai trương phiên giao dịch đầu năm. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2020 đã vọt lên tương đương 84% GDP. Tuy nhiên, xu hướng tăng này chỉ phản ánh việc có ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp quy mô vốn lớn lên sàn và sự lớn mạnh của thị trường thứ cấp khi các cổ phiếu đang được trả giá cao hơn. Còn xét về chức năng của thị trường chứng khoán, hoạt động huy động vốn lại khá trầm và chỉ mới ấm lên vài tháng cuối năm 2020.

Dù có tới 4 tỷ cổ phiếu phát hành mới trong năm 2020, nhưng đa phần đến từ hoạt động chia tách cổ phiếu qua các đợt trả cổ tức và chia thưởng cổ phiếu. Hai đợt phát hành lớn trong năm của VietABank và SeABank với giá trị huy động lần lượt 1.407 tỷ đồng và gần 950 tỷ đồng lại đều thực hiện khi các tổ chức này chưa lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, câu chuyện có thể sẽ khác trong năm nay. Nếu như năm 2020 là thời gian mà doanh nghiệp cần dồn lực cho hoạt động kinh doanh để vượt qua khó khăn, thì ở năm 2021 này, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho những khoản đầu tư mới, nhất là ở những ngành nghề có khả năng tận dụng thời cơ từ những thay đổi.

Trước An Phát và HAGL Agrico, trong vài tháng gần đây, một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn để mở rộng hoạt động. Công ty cổ phần Chứng khoán Pinetree vừa hoàn tất huy động thêm 400 tỷ đồng từ cổ đông mẹ Hanwha Investment & Securities Co., Ltd với giá phát hành cao gấp đôi mệnh giá cổ phiếu. Trong bối cảnh thị trường đang thu hút ngày càng nhiều khách hàng và dòng tiền như hiện nay, số tiền lớn đổ về sẽ giúp “tân binh” ngành chứng khoán thêm nguồn lực để cấp các khoản cho vay (margin) hay cung cấp các dịch vụ khác cho khách hàng.

Hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC) huy động hơn 245 tỷ đồng xây dựng nhà máy mới có công suất dự kiến 15.000 tấn/năm để mở rộng quy mô kinh doanh tôm, gồm mở thêm vùng nuôi và xây nhà máy chế biến tôm cao cấp cho thị trường chiến lược EU.

Một doanh nghiệp khác cùng ngành là Công ty cổ phần Camimex Group (mã CMX) cũng lên kế hoạch tăng vốn, nhưng tham vọng lớn hơn. Doanh nghiệp này lên kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, phát hành 30,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được phân nhỏ cho nhiều mục đích, từ cơ cấu lại nợ (199 tỷ đồng) đến góp vốn vào Công ty cổ phần Camimex Foods để xây nhà máy cá, bổ sung vốn lưu động (80 tỷ đồng) và công ty liên doanh nuôi tôm công nghệ cao (25 tỷ đồng).

Với ngành ngân hàng, chuẩn mực Basel II mới quy định cao hơn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn đang đòi hỏi các nhà băng gia tăng năng lực tài chính. Quy mô tín dụng tăng trưởng chậm lại trong năm nay giúp giảm bớt gánh nặng tăng vốn, nhưng đây vẫn là nhiệm vụ dài hạn mà các ngân hàng cần thực hiện.

Sử dụng thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn là mục đích của các doanh nghiệp khi đưa cổ phiếu lên sàn từ trước đến nay. Bối cảnh hiện tại mang đến những lợi thế nhất định cho các tổ chức phát hành.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất tiền gửi dự kiến còn duy trì mức thấp. Kênh trái phiếu doanh nghiệp giảm sức nóng kể từ khi áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện chào bán và giao dịch. Đây là những điều kiện kéo dòng tiền đi tìm kênh đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn như cổ phiếu.

Thực tế, những tháng cuối năm 2020 đã chứng khiến dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán. Tất nhiên, kênh huy động vốn này cũng phải chịu sự cạnh tranh từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Sau năm 2020 chững lại, ngay đầu tháng 2/2021, Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2) sẽ đấu giá 580,1 triệu cổ phần và cần hơn chục ngàn tỷ đồng để hấp thụ hết.

Chọn mặt gửi vàng

Trong đợt tăng vốn nói trên, Fimex đang chào cổ phiếu FMC với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Cách đây 3 năm, công ty này cũng có một đợt tăng vốn với hình thức tương tự, nhưng giá chào bán chỉ là 10.000 đồng/cổ phiếu. Lý do để Fimex sẵn sàng yết giá cao, ngoài việc giá cổ phiếu đã tăng 90% trong 3 năm qua, còn bởi ngành tôm nói chung và bản thân Fimex đang được đánh giá là khá hấp dẫn.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu ngành này sẽ tăng 15%. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex cũng cho rằng, có một cơ hội lớn cho con tôm Việt Nam trong năm 2021 khi ngành tôm tại nhiều quốc gia như Ấn Độ sẽ cần thời gian đáng kể để khôi phục sản xuất.

Chưa kể, cùng thời điểm chốt danh sách cổ đông nhận quyền mua cổ phiếu, Fimex còn thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Khoản tiền cổ tức này sẽ là phần lợi ích tăng thêm khi các cổ đông quyết định mua cổ phiếu mới.

Dòng tiền thông minh chỉ chấp nhận mua cổ phiếu mới khi khoản đầu tư này được xác định là đáng tin và đủ hấp dẫn. Ngoài việc chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, hiệu quả hoạt động kinh doanh sau khi quy mô vốn tăng lên, niềm tin của nhà đầu tư cũng rất quan trọng.

Một thương vụ chào bán cổ phiếu khá đặc biệt vừa hoàn tất hồi cuối tháng 12 vừa qua. Sau khi huy động xong 337,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh bất ngờ đổi phương án dùng vốn mới chỉ sau 24 giờ. Thay vì đầu tư trang thiết bị, Công ty dùng vốn để kinh doanh nông sản trong ngắn hạn. Trần tình về sự thay đổi này, ông Đỗ Ngọc Khanh, Chủ tịch HĐQT Cảng Quảng Ninh cho biết, Công ty cần thời gian để đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược dài hạn nhằm quy hoạch phát triển cảng và công ty một cách đồng bộ.

Trong quá khứ, từng có các doanh nghiệp chuyển phương án sử dụng vốn sau phát hành, nhưng đây là lần đầu tiên việc thay đổi phương án được quyết định cấp tập như vậy. Sự trì hoãn chỉ là tạm thời, song vẫn là tiền lệ xấu khiến nhà đầu tư nghi ngại về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan