Việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là rất cấp thiết

Việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là rất cấp thiết

Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế 3 quý đầu năm nay, song nhiều chuyên gia băn khoăn về động lực tăng trưởng trong năm tới, cũng như giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.

Nhận diện nút thắt tăng trưởng

Chia sẻ tại “Diễn đàn Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra 4 nút thắt đang tồn tại trong nền kinh tế, đó là chuỗi liên kết và đầu ra, chuẩn hóa sản phẩm, chi phí và thể chế. Trong đó, theo ông Phong, chuỗi liên kết và đầu ra là điểm yếu lớn nhất, tồn tại ở hầu hết các ngành, từ sản xuất đến dịch vụ tại Việt Nam hiện nay.

“Cần tập trung hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết và đầu ra, cũng như đảm bảo chuẩn hóa chất lượng và quy trình của các ngành. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa quy trình quản lý hành chính, tạo văn hóa kinh doanh tích cực, chống lợi ích nhóm, bảo vệ lợi ích quốc gia từ cấp cán bộ bộ ngành, chính phủ… để cải thiện thể chế, từ đó tháo bỏ các rào cản về thể chế”, ông Phong
nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, để có thể tháo bỏ thành công các nút thắt trên, cần có cách tiếp cận mới, nhằm biến các động lực hiện hữu thành động lực mới, đột phá mới. Bởi không gian động lực mới có thể tìm thấy ngay trong nội tại tăng trưởng của các ngành.

Tạo động lực tăng trưởng mới

Đánh giá tích cực về tăng trưởng 3 quý đầu năm, song ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng băn khoăn về động lực tăng trưởng trong năm tới, cũng như giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.

“Tăng trưởng quý III/2017 tuy cao đột biến, với mức tăng trưởng GDP kỷ lục 7,46%, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 6,7% GDP cả năm, nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng và thu nhập vẫn khá xa. Điều này cho thấy, mức tăng trưởng của tổng thu nhập quốc gia (GNI) có xu hướng ngày càng thấp và càng xa so với tăng trưởng GDP”, ông Cung nhìn nhận.

Theo ông Cung, tăng trưởng hiện tại càng cao thì việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho tương lai càng trở nên cấp thiết.

“Bởi, nếu những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năm 2017 như công nghiệp chế biến-chế tạo, xây dựng, dịch vụ du lịch, nông-lâm thủy sản và từ xuất khẩu của khu vực FDI sang năm không còn nữa, hoặc đóng góp không nhiều, thì khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% trong năm 2018, cũng như duy trì ở mức cao trong giai đoạn tới”, ông Cung phân tích.

Đồng tình với quan điểm cần có cách tiếp cận mới để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong giai đoạn tới, ông Cung cho rằng, năm 2018 cần tập trung thực hiện rốt ráo việc giảm chi phí kinh doanh, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước nhằm thu hẹp khoảng cách giữa GNI và GDP, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, giảm chi phí logicstic, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển…

“Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu. Đồng thời, thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, mà giải pháp trước hết là nới trần nợ công, tháo nút thắt cho đầu tư công để có tăng trưởng, giảm bội chi ngân sách...”, ông Cung nhấn mạnh.

“Những giải pháp trên tuy không mới, nhưng quan trọng là tới đây thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao? Muốn thúc đẩy phải cải cách, phải hành động. Nếu còn tính toán thiệt hơn, lo mất cái này cái khác thì sẽ không bao giờ có đột phá để có động lực tăng trưởng bền vững”, ông Cung nói.

Cần tập trung nguồn lực phát triển các đặc khu kinh tế

Ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam

Bên cạnh các “đầu tàu” phát triển là Hà Nội, TP.HCM, cần tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển các đặc khu kinh tế. Đây là động lực tăng trưởng mới, giúp thu hút nhân tài và nhân lực ưu tú trở về đóng góp xây dựng trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, thiếu hiệu quả như hiện nay. Trên thực tế, một số địa phương đang tạo ra nhiều nguồn thu, sử dụng nguồn lực hiệu quả lại phải chia sẻ, hay bị lấy đi nhiều, trong khi những nơi không có lợi thế thực sự lại “bôi” ra đủ thứ để tranh giành nguồn lực cho những dự án “bánh vẽ”, nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thậm chí gây tổn thất vẫn được ưu ái, được giải cứu...

Tin bài liên quan