Những dấu hiệu suy giảm
Tại hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tuy tăng trưởng có cải thiện, nhưng về cơ bản, cách thức phân bổ nguồn lực vẫn chưa thay đổi, sự dịch chuyển của các dòng chảy lớn như nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân… vẫn chậm.
Đáng chú ý, năm 2018 là năm đầu tiên xuất hiện tình trạng tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước. Theo CIEM, đây là hiện tượng bất thường, thể hiện dấu hiệu của sự suy giảm của yếu tố cấu thành tăng trưởng và động lực của tăng trưởng.
Cũng theo CIEM, hiệu quả hoạt động của các khu vực doanh nghiệp (DN) có phần sụt giảm, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
So với các khu vực doanh nghiệp khác, tỷ lệ của khối DNNN cao hơn, nhưng trên thực tế, có tới hơn 50% lợi nhuận của khu vực này thuộc về 3 "ông lớn" là Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), trong khi phần lớn số DNNN còn lại kinh doanh đì đẹt, thậm chí giảm sút.
Đặc biệt, vốn đầu tư nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng quá thấp so với đầu tư xã hội, nhất là khối DNNN. Điều này cho thấy hoạt động của khối doanh nghiệp chủ chốt này đang ngày một bớt lạc quan, hiệu quả tài chính có xu hướng đi xuống.
Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân trong nước dù gia tăng, nhưng hiệu quả đầu tư lại suy giảm, thể hiện ở sự gia tăng mạnh của hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) đối lập với mức tăng trưởng kinh tế.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là đóng góp của doanh nghiệp vào GDP còn khá thấp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh mới đóng góp 9% GDP, tổng lợi nhuận doanh nghiệp các loại cũng chỉ đạt khoảng 15% GDP, trong đó đóng góp của khối DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước là tương đương, khoảng 4% GDP.
“Đây là những tín hiệu cho thấy chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa thực sự cải thiện như kỳ vọng, thể hiện sự suy giảm năng lượng nội sinh, đòi hỏi cần tìm ra những động lực mới để thay thế cho các động lực đã tới hạn này.
Nếu không có sự thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, điều hành phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, thì mục tiêu tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững sẽ là thách thức lớn trong kế hoạch tái cơ cấu tổng thể lại nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Giải pháp nào?
Đánh giá về tình trạng lệch pha tín dụng, những hạn chế trong hoạt động tái đầu tư của DNNN…, PGS.TS Vũ Sỹ Cương, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, đây là hệ lụy của những bất cập trong phân bổ nguồn lực đầu tư, cũng như sử dụng nguồn lực ngân sách công thiếu minh bạch và hiệu quả.
Để khắc phục bất cập này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho rằng, Việt Nam cần chú trọng cả việc sử dụng vốn hiệu quả, bên cạnh tập trung thu hút các nguồn vốn.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay, Việt Nam có thể thu hút được nhiều nguồn vốn ưu đãi như vốn ODA..., nhưng vẫn vướng mắc ở quá trình giải ngân nên gây ra nhiều lãng phí. Bên cạnh đó, để tạo động lực tăng trưởng, Việt Nam cũng cần thay đổi chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, từ đó áp dụng vào sản xuất.
Nhìn trên chiến lược tổng thế, CIEM cho rằng, cần có các giải pháp căn cơ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu DNNN, thay vì tập trung tái cơ cấu dự án, DNNN thua lỗ.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển; rà roát, loại bỏ khoản trợ cấp với DNNN, loại bỏ hành vi độc quyền; rà soát danh mục dự án đầu tư, chỉ đạo, hỗ trợ và chú trọng thực hiện dự án tốt; tập trung đầu tư vào doanh nghiệp quản trị tốt, có tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu cao (tối thiểu từ 20%/năm trở lên)...
Về thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, không nên chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng, cải thiện năng lực quản trị, quản lý minh bạch theo chuẩn mực kế toán quốc tế; số vốn để cổ phần hoá, thoái vốn phải đủ lớn để thay đổi cơ cấu sở hữu và thực chất quản trị, số lượng cổ phần bán ra và cách bán cần phù hợp với cung cầu thị trường...
Để nâng cao hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, cơ quan chức năng cần có giải pháp phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, chẳng hạn như tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước tại các lĩnh vực cốt lõi như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... để hỗ trợ phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết ngay vướng mắc về đất đai, môi trường kinh doanh để đất đã giao được đưa vào sử dụng, những bất hợp lý về thuế, phí cũng cần xoá bỏ...
“Chẳng hạn, trong lĩnh vực hàng không, thay vì 'ưu ái' các DNNN, cần vận động, cho phép và hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân xây mới, hoặc đầu tư mở rộng sân bay hiện có... Đồng thời, việc tái cơ cấu đầu tư nhà nước cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng”, ông Cung nêu ví dụ.