Hướng lựa chọn của dòng tiền
Yếu tố khó lường là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, do đó, dòng tiền vào ETF đã bị rút mạnh và có thể sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Trên thị trường quốc tế, nhà đầu tư có xu hướng chọn các tài sản an toàn. Vậy ở Việt Nam thì sao?
Lựa chọn tài sản an toàn hơn để đầu tư là câu chuyện thực tế đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Dòng tiền quốc tế phân bổ tài sản nhiều hơn vào trái phiếu và vàng. Theo thống kê từ một số kênh truyền thông quốc tế, tổng giá trị trái phiếu có lợi suất âm đã lên đỉnh 16.000 tỷ USD. Yếu tố tác động chính là rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nếu không muốn nói là có thể còn căng thẳng hơn.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MBS cho rằng, rủi ro chiến tranh thương mại làm cho chuỗi cung ứng xáo trộn ở nhiều quốc gia. Nền kinh tế nhiều nước cũng đang đối mặt với suy thoái như tại châu Âu, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Những nền kinh tế này giảm cả về tốc độ tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu và các chỉ báo kinh tế khác. Sự suy giảm trên diện rộng của nhiều nền kinh tế khiến mối lo ngại về nguy thoái kinh tế trong thời gian tới còn diễn ra. Dòng tiền vì thế chọn đổ mạnh hơn vào vàng.
Sau thời gian giao dịch trầm lắng, thời gian gần đây, giá vàng tăng phi mã trở lại, lên đỉnh hơn 6 năm và duy trì mức cao. Trong khi đó, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã bắt đầu âm lần đầu tiên, kể từ giai đoạn 2007-2008.
Theo ông Sơn, giới đầu tư xem đây là chỉ báo về suy thoái kinh tế có thể diễn ra trong 12-14 tháng sau. Trong nỗi lo này, nhiều nhà đầu tư đã chọn cách phân bổ đầu tư sang tài sản khác ngoài chứng khoán để giữ giá trị. Trên bình diện toàn cầu, tiền gửi ở một số quốc gia, lãi suất đã âm hết, chẳng hạn ở châu Âu phần lớn là âm, Nhật Bản âm, một số nước khối Bắc Mỹ có lãi suất dương, nhưng rất thấp.
Ðối với thị trường Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vẫn rót ròng, nhưng đang giảm dần so với thời kỳ dòng vốn này “sung sức”. Ðặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.245 tỷ đồng riêng trên HOSE. Thực tế này cũng nằm trong xu hướng các quỹ ETF rút ròng toàn cầu ở các thị trường mới nổi, thị trường châu Á Thái Bình Dương và thị trường Việt Nam không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.
Ông Sơn cho biết, các quỹ ETF ngoại đầu tư vào Việt Nam huy động được từ đầu năm đến vùng cao nhất là hơn 300 triệu USD, nhưng nay chỉ còn quanh vùng 250 triệu USD. Thực tế này có nghĩa là các quỹ ETF tại Việt Nam tương ứng bị rút ròng khoảng 45-50 triệu USD, diễn ra trong thời gian ngắn. Các quỹ ETF tại Việt Nam như ETFVFM VN30 cũng bị rút vốn, gần nhất là các quỹ của KIM cũng bị rút một phần. Tác động của chiến tranh thương mại đang ngấm dần và thể hiện một cách rõ nét trong tháng 8 vừa qua.
Yếu tố có tác động quan trọng khác là sự mất giá của đồng nhân dân tệ (CNY), từ mức 7%, nay đã là 7,15%. Rồng Việt cho rằng, trái với giai đoạn trước, khi đồng CNY đột ngột giảm giá so với USD thì đồng Việt Nam cũng giảm mạnh theo.
Trong đợt giảm giá mạnh gần đây của CNY, phá ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD, đồng Việt Nam không có nhiều biến động. Sự ổn định của đồng Việt Nam được đóng góp bởi 2 yếu tố.
Thứ nhất, cán cân thương mại thặng dư 2,9 tỷ USD tính đến 15/8 (tăng 21% so với cùng kỳ) và thứ hai, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân và vốn góp mua cổ phần đạt hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 30%). Các số liệu này cho thấy, sức cầu đối với đồng Việt Nam còn khá lớn và rủi ro mất giá mạnh trong những tháng còn lại của năm 2019 theo đó sẽ không cao.
Sau nghỉ Lễ 2/9, tâm điểm quan tâm của nhà đầu tư sẽ là việc Mỹ sẽ áp thuế ra sao với Trung Quốc. Nếu chính thức áp thuế như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc lại có hành động trả đũa lần nữa thì sẽ có sự xáo trộn cả về mặt kinh tế, chính trị, xu hướng dòng vốn quốc tế và Việt Nam sẽ không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Rủi ro ngoại tác động theo vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy vàng trở thành kênh trú ẩn đối với những nhà đầu tư thận trọng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong khi lạm phát chung vẫn duy trì ở mức thấp, lạm phát lõi (lạm phát chung sau khi loại trừ tác động của một số mặt hàng chịu sự kiểm soát của Nhà nước) thực tế đã tiệm cận ngưỡng 2%, mức mục tiêu của Chính phủ.
Do vậy, công ty này cho rằng, xác suất Ngân hàng Nhà nước mở rộng cung tiền trong nửa cuối năm là rất thấp. Với sự hạn hẹp của dòng tiền, khả năng bứt phá mạnh của VN-Index là khó xảy ra.
Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, cũng như các lĩnh vực kinh doanh có nhu cầu vốn dài hạn khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với cổ phiếu. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phần nhiều dao động 11 - 14,5%, nên khó có thể kỳ vọng dòng tiền “ào ào” vào cổ phiếu và thanh khoản lại được cao như giai đoạn cuối năm 2017 - đầu năm 2018.
Tín hiệu sáng từ TTCK Việt Nam
Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, cuối năm, TTCK Việt Nam khó dự đoán được xu hướng do có nhiều yếu tố khó lường. Nếu phía Mỹ áp thuế như tuyên bố, kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm về mức 6% hoặc dưới 6% - mức thấp nhất từ năm 1990. Theo ông Sơn, cuối năm nay đến quý I năm sau vẫn sẽ là giai đoạn “dòng tiền khó chảy”, nhất là chảy vào các tài sản lỏng, có tính rủi rủi ro như tài sản tài chính.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đang xuất hiện luồng thông tin lạc quan về việc có một số quỹ đầu tư của Mỹ quan tâm đến Việt Nam thông qua quỹ ETF sắp ra đời của Công ty Quản lý quỹ Việt Nam. Dù chưa có thông tin chính thức nhưng đây là tín hiệu tích cực trong bức tranh chung nhiều màu xám.
Thông tin trên thị trường cũng đang “đồn” rằng, vốn từ Hồng Kông đang “hỏi thăm” việc đầu tư vào một số quỹ ETF đang xây dựng tại Việt Nam. Vì thế thị trường Việt Nam vẫn có cơ hội riêng.
Theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đang xây dựng hai bộ chỉ số VN-Diamond và VN-Capped Financial, qua đó, các công ty quản lý quỹ trong nước có thể thành lập thêm các quỹ ETF giúp giải quyết bài toán room ngoại và tăng sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Cùng với sự chuyển động này, một yếu tố đáng được quan tâm là việc Chính phủ đã chính thức ban hành danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Rồng Việt cho rằng, dù khả năng đẩy mạnh thoái vốn trong nửa cuối năm 2019 là không lớn, nhưng áp lực hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa vào năm 2020 sẽ khiến cả DN và các cơ quan có trách nhiệm phải vào guồng chuẩn bị dần. Một vài thương vụ lớn đáng chờ đợi tới đây là Mobifone, Vinacafe, VNPT, VEA, PLX…
Nếu tiến trình cổ phần hóa diễn ra theo đúng kế hoạch, các thương vụ thoái vốn lớn sẽ kích hoạt dòng vốn ngoại, từ đó có thể tạo hiệu ứng chung cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam.