Cơ hội chọn lựa cổ phiếu sẽ khó khăn hơn trong môi trường lạm phát.

Cơ hội chọn lựa cổ phiếu sẽ khó khăn hơn trong môi trường lạm phát.

Tìm cơ hội trong môi trường lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát, “kẻ thù” của chứng khoán dự báo sẽ tăng lên từ giữa năm 2022. Dẫu vậy, vẫn có những cơ hội cho nhà đầu tư với một số nhóm ngành.

Sau khi nhiều quốc gia công bố lạm phát kỷ lục do gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế (bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), dự báo lạm phát sẽ tăng ở Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Trước diễn biến giá hàng hoá và nguyên liệu cơ bản có dấu hiệu bật tăng mạnh trở lại, một số nhà đầu tư đang có xu hướng đẩy mạnh mua vào nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ lạm phát như thép, thuỷ sản, bất động sản thương mại, bất động sản khu công nghiệp… sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Kịch bản khó tránh

Lạm phát đã trở thành mối lo ngại chính ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu cho tới các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công cũng như tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế.

Số liệu báo cáo lạm phát tại các quốc gia đều tăng mạnh, dẫn tới nhiều ngân hàng trung ương phải sớm thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Cụ thể, Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021 và đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Tại Anh, chỉ số CPI tháng 12/2021 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1992 tới nay. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang lên kế hoạch nâng lãi suất… Điều này cảnh báo thế giới đã và sẽ sớm tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ.

Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã nâng lãi suất cơ bản trở lại mức trước đại dịch nhằm kìm hãm lạm phát. Còn trong nước, đầu tháng 1, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, một kịch bản khó tránh khỏi là giai đoạn nửa cuối năm 2022, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế là lạm phát sẽ tăng.

Thực tế này đã được kiểm chứng ở hầu hết các quốc gia triển khai các gói kích thích kinh tế hậu đại dịch.

Dựa trên kịch bản này, năm 2022 được dự báo là một năm không còn quá thuận lợi với các nhà đầu tư chứng khoán.

Hai nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi

Cơ hội chọn lựa cổ phiếu để đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn trong môi trường lạm phát, nhưng không có nghĩa là không có. Hàng hoá cơ bản và bất động sản là hai nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá tăng.

Thứ nhất, áp lực lạm phát đẩy giá hàng hoá cơ bản, nguyên liệu tiếp tục neo ở vùng giá cao. Mặc dù năm 2021, thế giới đã trải qua cơn bão giá hàng hoá và có dấu hiệu hạ nhiệt vào giai đoạn cuối năm, nhưng bước sang đầu năm 2022, giới đầu tư lại chứng kiến đà hồi phục trở lại của nhiều nguyên liệu, hàng hoá cơ bản khác.

Diễn biến giá dầu Brent, giá thép cây (Steel Rebar), giá gạo (Rice) và giá cao su (Rubber). (Nguồn: Investing.com).

Diễn biến giá dầu Brent, giá thép cây (Steel Rebar), giá gạo (Rice) và giá cao su (Rubber). (Nguồn: Investing.com).

Chẳng hạn, giá dầu Brent phiên giao dịch ngày 8/2/2022 đã đạt 90,5 USD/thùng, tăng 31,4% so với thời điểm đầu tháng 12/2021 và đang hướng tới mốc 100 USD/thùng. Giá thép cây ở London (Anh) đã tăng từ mức 685,5 USD/tấn lên 737 USD/tấn trong cùng khoảng thời gian.

Trong khi đó, từ ngày 17/6/2021 đến 8/2/2021, giá gạo tăng 23,4% (từ 12,23 USD/tạ lên 15,1 USD/tạ). Giá mủ cao su phiên 8/2/2022 đạt mức tăng 25,6% so với thời điểm 10/9/2021, từ 187,3 JPY/kg lên 235,2 JPY/kg…

Nhìn chung, giá các hàng hoá cơ bản sau nhịp điều chỉnh giai đoạn cuối năm 2021 đều có dấu hiệu tăng trở lại. Trong đó, áp lực chi phí đẩy từ các nguyên liệu đầu vào như giá dầu, giá khí, giá than, giá đồng… đã gây áp lực lên giá các hàng hoá khác. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2022.

Với áp lực lạm phát duy trì và tăng cao, dự báo 2022 sẽ là một năm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu các nông sản trong nước như thuỷ sản, nông sản, cao su… Ngoài ra, một số doanh nghiệp nguyên vật liệu như thép, xi măng, xây dựng được kỳ vọng sẽ là nhóm tiếp theo hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công và giá các nguyên liệu tăng giá sau một giai đoạn điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư không thể bỏ qua tiếp theo là nhóm bất động sản. Trong đó, giá bất động sản thông thường có xu hướng tăng cao hơn xu hướng lạm phát để bảo toàn giá trị tài sản, điều này đã được minh chứng qua nhiều chu kỳ kinh tế khác nhau. Và thực tế, giá bất động sản tại các khu vực đang có lạm phát cao đều tăng mạnh như châu Âu, Mỹ, Anh, Hàn Quốc...

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất sôi động ở nhiều nơi trong năm 2021.

Trong đó, nhiều vùng ven Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, Hoà Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%… Còn ở TP.HCM, kể từ sau khi Thành phố mới Thủ Đức được thành lập, giá đất tại khu vực này đã tăng từ 30 - 50%…

Với đặc thù người chủ sở hữu bất động sản có thể chuyển dịch lạm phát và tăng giá lên người đi thuê, cũng như người mua để phòng ngừa lạm phát, điều này đã thúc đẩy giá bất động sản tăng cao trong năm 2021.

Mặc dù người dân chịu nhiều khó khăn từ đại dịch, nhưng thực tế cho thấy, sau mỗi đợt giãn cách xã hội, giá bất động sản ở nhiều khu vực lại được đẩy lên mặt bằng mới.

Nhờ câu chuyện lạm phát tăng, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang cho thấy dấu hiệu tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy giá cổ phiếu ngành thuỷ sản, cảng biển - vận tải tăng cao.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực nguyên liệu, thị trường có dấu hiệu hút dòng tiền vào nhóm cổ phiếu thép, dẫn tới nhóm này xuất hiện các phiên hàng loạt cổ phiếu dư mua trần với khối lượng lớn.

Riêng đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, dòng tiền không những vào các cổ phiếu bất động sản thương mại mà ngay cả cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng tăng mạnh trở lại, với kỳ vọng giá cho thuê khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao.

Nhìn chung, lạm phát thúc đẩy giá bất động sản tăng cao, từ đó là cơ sở cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất ở, đất khu công nghiệp có thể tái định giá với giá bán, giá cho thuê cao hơn trước đại dịch.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều hưởng lợi, một số doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất hạn chế, vướng vào lùm xùm liên quan tới lãnh đạo vẫn là trở ngại. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Nhà Đà Nẵng (mã NDN), doanh nghiệp vừa thay đổi lãnh đạo chủ chốt do ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc bị bắt vì hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí”.

Ngoài ra, NDN hiện nay đang thiếu dự án mới gối đầu, trong khi dự án Khu phức hợp Monarchy – Block B đang bước vào giai đoạn bàn giao giao những sản phẩm cuối cùng.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Nhà Thủ Đức (mã TDH), tháng 11/2021, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc bị bắt vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó Công ty phải bổ nhiệm lãnh đạo mới. Mới đây, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị TDH từ năm 2001 tới nay cũng xin từ nhiệm. Những biến động về lãnh đạo cấp cao đang gây hoài nghi nhất định về tương lai của Công ty.

Tin bài liên quan