Tìm cơ hội ở TTCK Lào

Tìm cơ hội ở TTCK Lào

(ĐTCK) Sau mức bứt phá hơn 35% trong năm 2012 và trở thành TTCK tăng mạnh thứ 8 trên thế giới, diễn biến từ đầu năm 2013 đến nay của TTCK Lào cũng khá khả quan với mức tăng gần 13%.

Với khả năng lên sàn của một số doanh nghiệp quốc doanh và sự ra đời của công ty chứng khoán thứ ba, đặc biệt là việc ra mắt hệ thống giao dịch trực tuyến và việc ký kết biên bản ghi nhớ mới đây giữa Sở GDCK  Lào (LSX) và hai Sở GDCK của Việt Nam (HOSE và HNX), liệu TTCK Lào có đem lại cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam trong bối cảnh “room” nước ngoài vẫn còn hạn chế?

Cuối tháng 3 vừa qua, TTCK Lào đón thêm một công ty chứng khoán  mới là Lao-China Securities Company Limited (tạm dịch là CTCK Lào-Trung), liên doanh giữa Ngân hàng Nông nghiệp Lào (APB), Lao Information Industry Co Ltd và Pacific Securities Co Ltd of China. Dự kiến, Công ty Chứng khoán Lào-Trung sẽ cung cấp nhiều dịch vụ, trong đó có môi giới và bảo lãnh vào tháng 6 hoặc trễ nhất là tháng 7 tới.

Tìm cơ hội ở TTCK Lào ảnh 1

Cùng tháng, Lao Airlines (Công ty Hàng không Lào) đã gặp gỡ với các quan chức Ủy ban Chứng khoán Lào (SECO) tại Viêng Chăn và chính thức thông báo về dự định niêm yết trên Sở GDCK Lào (LSX). Đại diện LSX cho biết, Bộ Giao thông và Công trình công cộng Lào đã thành lập một ủy ban để lên kế hoạch niêm yết chi tiết cho hãng hàng không quốc gia này.

Đáng chú ý, mới đây (ngày 10/5/2013), ba sở GDCK gồm HOSE, HNX và LSX đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác về việc phát triển các sản phẩm chứng khoán, hạ tầng giao dịch và trao đổi thông tin giữa ba bên. Trong khuôn khổ buổi lễ này, LSX chính thức ra mắt dịch vụ mới với tên gọi “Hệ thống giao dịch trực tuyến (HTS)” trước sự chứng kiến của các quan chức Ủy ban Chứng khoán Lào, các công ty chứng khoán và các quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, HOSE và HNX.

Nhìn chung, hệ thống giao dịch trực tuyến có cơ chế giao dịch tương tự như cơ chế giao dịch hiện tại của LSX. Tuy nhiên, HTS tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐT trong việc đặt lệnh và thực hiện các giao dịch khác, dễ dàng tiếp cận các thông tin và lịch sử giao dịch thông qua Internet. Đây có thể được xem là một bước tiến lớn so với trước đây, khi mà NĐT phải trực tiếp đến công ty chứng khoán để đặt lệnh mua bán cổ phiếu, hoặc nếu ở xa chỉ có thể gọi điện hoặc gửi email cho các nhân viên môi giới.

Hơn nữa, NĐT cũng có thể theo dõi bảng giá chứng khoán trong suốt giờ giao dịch, kiểm tra số dư tài khoản tiền mặt và cổ phiếu thông qua việc cài đặt HTS.

Giao dịch trực tuyến tại Lào cũng mở ra những cơ hội mới, những điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho NĐT nước ngoài, trong đó có Việt Nam . Việt Nam là nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 trên TTCK Lào trong năm 2012, với 79 NĐT.

Theo bảng phí giao dịch hiện hành của CTCK Lanexang (Lanexang Securities Public Company - LXS), hiện người mua trên TTCK Lào đang phải trả mức phí 0,9% trên tổng giá trị của mỗi giao dịch. Cụ thể, phí môi giới là 0,34%, phí cho LSX là 0,35%, phí cho SECO là 0,2% và phí cho quỹ đền bù thiệt hại 0,01%.

 

Trong khi đó, người bán phải trả phí cao hơn với tỷ lệ 1,2% trên tổng giá trị của mỗi giao dịch. Ngoài các mức phí phải trả tương tự như người mua, người bán còn trả thêm cho Chính phủ Lào 0,3%.

 

CTCK Lanexang là một liên doanh giữa CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Ngân hàng Phát triển Lào. Lanexang được thành lập vào tháng 11/2010 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ kip (khoảng 12,5 triệu USD) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/3/2011.

 

Một điểm đáng lưu ý với NĐT Việt Nam khi tham gia TTCK Lào là việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các công ty niêm yết chỉ ở mức 20%. Với thị trường gồm hai cổ phiếu thành phần, việc giao dịch trực tuyến mở ra một cơ hội mới nhưng “sân chơi” tại đây còn bé nhỏ. Và đặc biệt, mức giới hạn tỷ lệ 20% trên là quá thấp, trong khi hầu hết NĐT trên TTCK nước này đều thuộc khối ngoại. Các NĐT Việt Nam muốn mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Lanexang để đầu tư chứng khoán tại Lào có thể làm thủ tục trọn gói tại Việt Nam thông qua Vietstock.

Được biết, nguyên nhân khiến Chính phủ Lào giới hạn số lượng cổ đông nước ngoài là do lo sợ sự dịch chuyển quá nhanh của dòng vốn đầu tư bằng ngoại tệ sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý tiền tệ. Hiện Chính phủ Lào đang cân nhắc tăng tỷ lệ sở hữu dành cho khối ngoại như đề xuất của các công ty chứng khoán tại nước này, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức.

TTCK Lào tiếp tục tăng trưởng trong năm 2013

 

Sau mức bứt phá hơn 35% trong năm 2012 và trở thành TTCK tăng mạnh thứ 8 trên thế giới, diễn biến từ đầu năm 2013 đến nay của TTCK Lào cũng khá khả quan với mức tăng gần 13%.

 

Cụ thể, tại ngày 17/5/2013, chỉ số LSX Composite đạt 1.366,28 điểm, tăng 12,47% so với đầu năm. Mức cao nhất của LSX Composite trong năm 2013 là 1.455,82, điểm xác lập ngày 22/1. Khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay là 74.366 CP/phiên, tương ứng giá trị 516,45 triệu kip/phiên. Giao dịch bất ngờ sôi động vào đầu tháng 2 và khối lượng đạt mức đỉnh 853.152 đơn vị, ứng với giá trị 5,89 tỷ kip vào ngày 11/2.

 

Trong số hai cổ phiếu thành phần, mã BCEL của Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) giảm 650 kip, tương ứng giảm 8,18% so thời điểm đầu năm, xuống 7.300 kip/CP tại ngày 17/5. Ngược lại, cổ phiếu EDL-Gen của Công ty Phát điện Lào (EDL-Gen) tăng 900 kip (tương ứng tăng 15,65%), lên 6.650 kip/CP trong cùng kỳ.

 

Khối lượng giao dịch bình quân phiên của BCEL nhìn chung duy trì ở mức khá thấp và chỉ đóng góp 17,24% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường với 12.819 đơn vị, trị giá 98,68 triệu kip, vì cổ phiếu này đã hết room nước ngoài. Trong khi đó, mã EDL-Gen có tới 61.546 đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt 417,77 triệu kip và tạo nên 82,76% giao dịch trên TTCK Lào.

Có thể thấy, sân chơi tại Lào hiện nay do NĐT nước ngoài chiếm ưu thế. Theo báo cáo của LSX, số lượng NĐT nước ngoài chiếm tỷ lệ 58,46% trong năm 2012, chủ yếu đến từ các nước Thái Lan (522), Trung Quốc (406), Nhật Bản (236), Việt Nam (79), Hàn Quốc (71) và Mỹ (48). Trong khi đó, NĐT cá nhân của Lào chỉ chiếm 29,40% và NĐT tổ chức trong nước là 9,93%. Dù người dân Lào không bị giới hạn số lượng cổ phiếu nắm giữ, nhưng họ không có xu hướng mua bán cổ phiếu để kiếm lời như NĐT nước ngoài. Hầu hết người dân Lào mua cổ phiếu như là một kênh tiết kiệm dài hạn và để nhận cổ tức.